Lào Cai 25° - 27°
Khẩn trương khắc phục những tồn tại trong việc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi

LCĐT – Từ giữa tháng 5, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại địa bàn tỉnh, để ngăn chặn bệnh dịch lây lan, ngoài việc lập các chốt, trạm, tổ kiểm soát liên ngành trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện trên địa bàn tỉnh, thì việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh cũng được cơ quan chức năng và chính quyền các cấp hướng dẫn đến người dân để đảm bảo lợn bệnh được tiêu hủy đúng quy định và đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, ở một số địa phương việc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh chưa được thực hiện đúng quy định, quy trình nên đã gây ra nguy cơ làm dịch lây lan rộng và làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Xã Phú Nhuận chôn lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại một khu ruộng lúa ở thôn Phú Hải 3.

Đến xã Phú Nhuận (Bảo Thắng), phóng viên ghi nhận nhiều bức xúc của người dân khi chính quyền xã và một số hộ dân không thực hiện việc tiêu hủy lợn đúng quy định. Cụ thể, từ ngày 30/5 đến 1/6, tại thôn Phú Hải 3 đã xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi ở gia đình ông Phạm Văn Ký và gia đình ông Đỗ Văn Công làm hàng chục con lợn bị chết, với tổng trong lượng lợn phải tiêu hủy trên 3 tấn. Điều đáng nói ở đây là chính quyền xã và cơ quan chức năng của huyện Bảo Thắng đã cho tiêu hủy lợn bằng cách chôn lấp trên thửa ruộng cấy lúa ngập nước bên cạnh đường dân sinh và ngay phía trước cửa hai nhà dân. Và sau 3 ngày tiêu hủy, địa điểm chôn số lợn nhiễm bệnh có hiện tượng bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân xung quanh.

Ông Trần Văn Thước, một người dân thôn Phú Hải 3, cho biết: Từ khi chính quyền cho đào hố chôn lợn chết ở khu ruộng cấy lúa của thôn, nhiều người dân đã có ý kiến, tuy nhiên, việc này vẫn được thực hiện và đến ngày thứ hai thì từ hố chôn lợn mùi hôi thối bốc lên nồng nặc bay khắp các xóm xung quanh khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ.

Sau khi sự việc xảy ra, một số hộ đã có ý kiến phản ánh lên UBND xã, sau đó chính quyền cho xe tải chở đất đến đắp thêm vào hố chôn nhưng mùi hôi vẫn còn; đặc biệt, người dân lo lắng việc nguồn bệnh sẽ hòa theo nguồn nước lan rộng ra các khu vực khác.

Điểm chôn lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại thôn Phú Hải 3 chỉ cách nhà dân một con đường nhỏ.

Để làm rõ nguyên nhân sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, ông Anh lý giải: Đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn, vì thời điểm phát hiện ổ dịch đúng lúc trời có mưa lớn kéo dài. Xã cũng đã khảo sát một số địa điểm để chôn lấp tiêu hủy, song không hợp lý và cuối cùng phải tổ chức chôn lấp tại ruộng của gia đình có lợn chết để hạn chế việc vận chuyển đi xa dễ dẫn tới lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thế Anh cũng thừa nhận: Việc tổ chức tiêu hủy lợn bị chết do dịch bệnh ở thôn Phú Hải 3 đúng là còn nhiều thiếu sót. Bởi theo hướng dẫn của các cơ quan thú y thì địa điểm hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn đồi (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ).

Sau khi người dân phản ánh hố chôn lợn bốc mùi, chúng tôi đã cho rắc vôi bột, phun khử trùng sạch sẽ rồi lấp thêm đất, trồng cỏ voi lên trên để đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, UBND xã cũng đã họp rút kinh nghiệm trong việc xử lý, tiêu hủy lợn bệnh. Ông Anh cho biết thêm.

Với việc chôn lợn chết ở khu ruộng nước như thế này dễ gây lây lan dịch bệnh qua nguồn nước.

Còn tại thôn Tả Pa Cheo, xã Pa Cheo (Bát Xát) thì lại xảy ra tình trạng khi lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, 4 hộ dân không báo cáo chính quyền mà tự ý mang chôn lấp; tuy nhiên do chưa nắm được quy trình tiêu hủy nên việc đào hố, khử trùng không đảm bảo dẫn đến tình trạng mùi hôi thối lan rộng cả thôn. Ngay sau khi nhận được phản ánh về sự việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế đã có mặt tại hiện trường hướng dẫn người dân tổ chức tiêu hủy đúng quy định, có tiêu độc, khử trùng.

Một hố chôn lợn chết được đào sơ sài dễ gây phát tán mùi khi xác lợn phân hủy (Ảnh chụp tại một xã vùng cao huyện Bát Xát).

Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Huyện Bát Xát đã có 4 xã (Pa Cheo, Nậm Pung, Quang Kim, Cốc San) xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi với số lượng 14 tấn lợn phải tiêu hủy. Do tại một số thôn, bản, người dân chưa có kiến thức về phòng, chống dịch và tiêu hủy lợn mắc bệnh bị chết nên việc tiêu hủy còn chưa đúng quy định, hiện nay chúng tôi đã dịch tài liệu phòng, chống dịch ra tiếng dân tộc để cấp phát tuyên truyền cho người dân thực hiện. Cùng với đó, Phòng và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng cử cán bộ xuống địa bàn có dịch để hướng dẫn và giám sát người dân thực hiện tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.

Còn tại xã Bản Lầu (Mường Khương), theo quan sát của phóng viên, lợn bị nhiễm bệnh được vận chuyển bằng ô tô nhưng không lót bạt, lại vận chuyển đi quá xa, qua các tuyến đường liên thôn, thậm chí cả trên Quốc lộ 4D, nên dịch tiết của lợn bệnh vương vãi trên các tuyến đường dễ gây lây lan nguồn bệnh.

Không chỉ Phú Nhuận (Bảo Thắng), Pa Cheo (Bát Xát), Bản Lầu (Mường Khương), theo phản ánh của người dân ở một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh, thời gian qua việc tiêu hủy lợn chết do bệnh dịch cũng chưa thực sự tuân thủ chặt chẽ quy trình. Để xảy ra tình trạng nêu trên, nguyên nhân là do sự lơ là, chủ quan của chính quyền địa phương, kế nữa là do sự thiếu kiến thức về công tác phòng, chống dịch bệnh của người dân, nhất là trong việc tổ chức tiêu hủy lợn bị mắc bệnh.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa làm ảnh hưởng đến việc tiêu hủy lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi là quỹ đất dành cho việc chôn lấp ở một số địa phương cũng rất khó khăn. Đặc biệt, cơ chế chính sách bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia chống dịch chưa phù hợp nên việc huy động lực lượng phòng, chống dịch còn hạn chế.

Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Sau khi phát hiện những tồn tại trong công tác tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi ở một số địa phương, Chi cục đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố yêu cầu tăng cường chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh, đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh khử trùng, tiêu độc và tiêu hủy lợn bị mắc bệnh đúng quy định theo phương châm “4 tại chỗ” tránh làm cho dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, tính đến ngày 11/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 562 hộ thuộc 133 thôn, tổ dân phố của 40 xã, phường ở 9/9 huyện, thành phố; dịch bệnh đã làm 5.086 con lợn ốm chết và cùng đàn phải tiêu hủy (chiếm 1,2% tổng đàn lợn của tỉnh), với trọng lượng tiêu hủy gần 215 tấn lợn hơi. Dự báo trong thời gian tới, bệnh dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, điều này đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách trong việc cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp xử lý và ngăn chặn dịch bệnh để tránh lây lan rộng hơn.

Trên thực tế, Lào Cai là địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là địa bàn tổ chức diễn tập thực hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi”, nên người dân và chính quyền các cấp đã được trang bị kiến thức về phòng, chống dịch bệnh; song, để các giải pháp thực sự có hiệu quả thì cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế, định mức hỗ trợ kinh phí…

Nguồn: baolaocai.vn







Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập