Lào Cai 28° - 29°
Nậm Chảy: Triển khai kế hoạch trồng chè năm 2022 nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân

            Nhằm khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nâng cao thu nhập cho Nhân dân, xã vùng cao Nậm Chảy đã hiện thực hóa chủ trương đưa cây chè vào trồng.

            Ông Ma Chiến Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy cho hay: Khi bắt tay vào thực hiện chủ trương tuyên truyền, vận động bà con đưa cây chè vào trồng trên rẻo cao nơi đây, cấp ủy, chính quyền xã đã gặp không ít khó khăn. Trước tiên là tập quán canh tác lâu đời của người dân chủ yếu canh tác lúa, ngô, còn cây chè phải mất vài năm sau mới cho thu hoạch. Tiếp đến, đây là loại cây công nghiệp mới đưa vào canh tác, do đó bà con lo lắng về đầu ra sản phẩm, giá cả… nên không muốn chuyển đổi đất nương sang trồng chè. Mặt khác, cây chè cần có đầu tư, công chăm sóc và khoa học kỹ thuật, trong khi một bộ phận Nhân dân còn tư tưởng dễ làm, khó bỏ.

anh tin bai

Nông dân xã Nậm Chảy- huyện Mường Khương quyết tâm đưa cây chè lên vùng cao

            Trước thực trạng đó, xã bám sát Đề án Phát triển vùng chè của huyện Mường Khương tổ chức họp bàn, xây dựng kế hoạch quyết tâm đưa cây chè lên vùng cao. Cử cán bộ xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể và cơ quan chuyên môn huyện xuống từng bản họp, tuyên truyền, vận động Nhân dân lợi ích từ trồng chè. Tổ chức cho một số hộ dân tham quan, học tập các mô hình trồng chè thâm canh có năng suất cao ở một số địa phương trên địa bàn huyện. Đồng thời, giải thích thấu đáo những băn khoăn, thắc mắc của bà con về lợi ích sau khi cây chè cho thu hoạch. Với mục đích đưa cây chè vào trồng theo hướng khai thác tiềm năng địa phương như: đất đai, nguồn lao động gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó tác động vào nhận thức Nhân dân trong việc xóa bỏ tập quán canh tác cũ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng hiệu quả kinh tế bền vững.

            Theo kế hoạch năm 2022 toàn xã Nậm Chảy trồng trên 100 ha chủ yếu là giống chè Shan với sự tham gia của 192 hộ rải rác tại các thôn tham gia trồng. Tuy nhiên qua tuyên truyền, vận động, một số bà con tại các thôn đã hiểu một phần lợi ích cũng như giá trị từ cây chè đem lại, do đó bà con đã rất đồng tình, hưởng ứng tích cự. Đến nay, nông dân trong xã làm đất đã đào rạch cơ bản xong. Chờ cấp giống và khi thời tiết thuận lợi có mưa sẽ tiến hành trồng.

            Chị Ly Seo Sính - Thôn Gia Khâu A - xã Tả Gia Khâu bày tỏ "Được sự tuyên truyền, vận động của xã, thôn, gia đình Tôi năm nay cũng mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng ngô không hiệu quả sang trồng chè. Nhìn thấy một số hộ dân trong thôn năm trước đưa cây chè vào trồng, giờ được hơn năm cho cho thu hoạch. Tôi thấy mừng lắm. Cũng mong muốn cây chè sinh trưởng, phát triển tốt đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân trong thôn nói riêng, xã Nậm Chảy nói chung".

            Về cơ chế chính sách hỗ trợ, bà con nông dân tham gia trồng chè năm 2022 được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Trong quá trình trồng sẽ được cán bộ chuyên môn huyện đồng hành cùng bà con theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

            Có thể nói cây chè nhiều năm qua đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân các xã vùng thấp Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai, Thanh Bình nói riêng, bà con nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương nói chung có thu nhập ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đối với các xã vùng cao như Nậm Chảy là một loại cây trồng mới đưa vào canh tác. Người dân nơi đây cũng rất mong muốn cây chè sẽ phù hợp và phát triển trên mảnh đất vùng cao, giúp bà con có nguồn thu bền vững.   

Kim Huệ - Cao Chung- CTVKN




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập