Lào Cai 28° - 31°
Triển khai công điện số 13/cđ-ttg ngày 6/02/2024 của thủ tướng chính phủ về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản

 

Hạ tầng hệ thống logistics có ý nghĩa rất quan trọng trong tổng thể nền kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, ổn định an ninh lương thực, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng và an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay so với sức sản xuất và tiềm năng, lợi thế nông nghiệp thì hệ thống logistics vẫn là một điểm nghẽn trong kết nối giữa sản xuất và đưa nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế.

Để nhanh chóng hoàn hiện hệ thống logistics nhằm kết nối, sản xuất nông sản, phục vụ tốt hơn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới. Ngày 6/2/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 13/CĐ-TTG về viêc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản số 1346/UBND-KT ngày 20/3/2024 về việc chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện như sau:

Thứ nhất, Tiếp tục tổ chức triển khai  thực  hiện  hiệu quả Quyết định số 221/QĐ-TTg, ngày  22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics  đến năm 2025 và Kế hoạch số 39/KH-UBND  ngày 01/02/2023  của  UBND  tỉnh Lào  Cai về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Thứ hai, Rà  soát, bổ sung quy hoạch các  Trung  tâm  dịch  vụ logistics  nông sản tỉnh  Lào  Cai  vào  quy  hoạch  phát  triển  các Trung  tâm logistics của cả nước;  hình  thành  các  chuỗi  liên  kết  sản  xuất  tiêu  thụ nông sản tại các vùng nguyên liệu và tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để cung cấp nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn và bền vững thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cơ cấu sản xuất nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics nông sản và quy định mô hình hoạt động của các trung tâm dịch vụ logistics nông sản.

Thứ ba, Duy trì và nâng cao chất lượng của các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các loại hàng hóa có giá trị cao; Đẩy mạnh xúc tiến phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đẩy  mạnh hợp tác liên kết logistics với phía Trung Quốc và các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh -Lào Cai -Hà Nội -Hải Phòng -Quảng Ninh nhằm tạo thuận lợi cho sự giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa.

anh tin bai

(Ảnh sưu tầm: Các hoạt động thương mại logistics xuất nhập khẩu khu vực thương mại, dịch vụ cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành – Lào Cai)

Thứ tư, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực về logistics, chuỗi cung ứng nói chung và chuỗi logistics nông sản nói riêng cho doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn nông sản Lào Cai.

Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách theo thẩm quyền, khuyến khích thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các trung tâm dịch vụ logistics nông sản trên địa bàn tỉnh; tập trung thu hút nguồn lực vốn ODA hoàn thành các dự án lớn trọng điểm nhằm phát huy vai trò cầu nối của Lào Cai trong liên kết các tỉnh trong khu vực và trên hành lang kinh tế Côn Minh -Lào Cai -Hà Nội -Hải Phòng -Quảng Ninh.

Thứ sáu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tích cực tham mưu, phối hợp với Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC trong việc thực hiện nâng cấp 4 làn xe đường cao tốc đoạn Yên Bái -Lào Cai; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ để khởi công đường sắt kết nối ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc...; nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư một số dự án đường kết nối từ Cảng hàng không Sa Pa với thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và khu kinh tế cửa khẩu...; nghiên cứu, quy hoạch tuyến đường thuỷ nội địa từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (thành phố Lào Cai) để phát triển du lịch và vận tải hàng hóa.

Thứ bảy, Khẩn trương rà soát các quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong khu kinh tế đã được phê duyệt, đề xuất phương án sử dụng đất để có cơ sở giao đất, cho thuê đất, thuận lợi cho công tác thu hút các dự án vào Khu kinh tế cửa khẩu. Đồng thời kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư các Tập đoàn kinh tế lớn quan tâm và đầu tư vào các khu chức năng trong khu kinh tế của tỉnh, trong đó tập trung vào khu vực đường giao thông kết nối giữa cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành với Bản Vược, hạ tầng khu cửa khẩu Bản Vược. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu đến năm 2045.

Thứ tám, Phối hợp với phía Trung Quốc triển khai có hiệu quả "Luồng ưu tiên" thông quan đối với các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu của hai Bên qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành -Bắc Sơn.

Duy trì thực hiện tốt các điều kiện về cơ sở vật chất để phục vụ vận hành "luồng ưu tiên" thông quan đối với hàng nông sản qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Trung Quốc). Ưu tiên thực hiện thủ tục liên quan tại cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, hạn chế hư hỏng, đảm bảo chất lượng của hàng hóa; Nắm bắt, giải quyết và báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chú trọng quan hệ đối tác hải quan, doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cửa khẩu thông minh gắn với kiểm soát truy xuất nguồn gốc trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Trần Khánh Trang – Chi cục QLCL NLS và TS

 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập