Lào Cai 28° - 31°
Phát triển mạng lưới cơ sở chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh lào cai năm 2024

 

Nhằm cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ năm 2024 tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 01/4/2025 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025. Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành kế hoạch phát triển mạng lưới chế biến nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024, với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

- Đối với ngành hàng chế biến sản phẩm trồng trọt: Thu hút đầu tư mới 04 cơ sở và đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô 02 cơ sở.

- Đối với Chế biến lâm sản: Duy trì, phát triển hệ thống cơ sở chế biến lâm sản và các cơ sở chế biến Quế hiện có; Tiếp tục thu hút đầu tư nhà máy chế biến sâu, tinh chế gỗ sản xuất các sản phẩm từ gỗ với công suất trên 200.000 m3/ năm và 01 cơ sở thu mua, chế biến dầu trẩu;

- Đối với ngành hàng chăn nuôi - thủy sản: Tiếp tục thu hút đầu tư mới 01 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và 01 cơ sở giết mổ áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại cơ sở giết mổ thực hiện việc pha lóc, bảo quản thịt và chế biến thịt.

- 90 % sản phẩm của chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm sản và thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh sử dụng mã QR trên Hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thủy sản thực phẩm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quản lý;

- 75 % cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm như rau, củ, quả, các sản phẩm chế biến từ thịt được sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến và bảo quản sản phẩm, được xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn HACCP.

anh tin bai

(Ảnh: Hoạt động sản xuất, chế biến tại nhà máy chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương)

Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm như sau:

1) Về Cơ chế, chính sách: cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành; thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế; chủ động điều chỉnh danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực trạng và xu hướng phát triển nông nghiệp của địa phương tại từng thời điểm; (2) Về Nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến: Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; lựa chọn các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả; Khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết giữa nhà máy và các hộ dân có đất để phát triển vùng nguyên liệu an toàn; (3) Về đất đai: Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu đối với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến nông lâm sản quy mô lớn trên địa bàn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, an toàn với môi trường cho Doanh nghiệp để xây dựng các nhà máy chế biến; (4) Về Thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm: Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường trong nước và trên thế giới về thị phần, thị hiếu, giá cả, các tiêu chuẩn sản phẩm… để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản.... Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc sở, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, HTX triển khai đảm bảo các mục tiêu năm 2024./.

Bùi Thị Duyên – Chi cục QLCL  NLS và TS

 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập