Lào Cai 28° - 31°
Tham quan học tập mô hình trồng, chăm sóc, chế biến quế bền vững tại Yên Bái

Nhằm nâng cao nhận thức năng lực cho người dân xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên trong việc sản xuất Quế bền vững, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận Liên minh đạo đức thương mại đa dạng sinh học (Chứng nhận UEBT); Ban quản lý Dự án Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM2) tỉnh Lào Cai đã tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến quế bền vững đạt chứng nhận Organic, UEBT từ các mô hình thành công của tại tỉnh Yên Bái.

Ngày 18-19/03/2024, Ban quản lý dự án SNRM2 tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm với 25 thành viên, bao gồm: Đại diện Ban quản lý dự án SRMN2 tỉnh Lào Cai; Phòng Sử dụng và PTR – Chi cục Kiểm lâm, Đại diện UBND xã Vĩnh Yên; thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên và một số hộ nông dân sản xuất quế tiêu biểu tại xã Vĩnh Yên.

Trong 02 ngày, đoàn đã đi tham quan và học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc, khai thác quế bền vững theo chứng nhận Organic, UEBT; học tập việc phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ trồng xen dưới tán rừng quế của một số hộ gia đình cá nhân sản xuất quế tại huyện Văn Yên và huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái; Đồng thời làm việc với Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà (chi nhánh Yên Bái), Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex).

anh tin bai

Ảnh: Đoàn tham quan học tập tại Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà

Đoàn tham quan làm việc với 02 công ty và 01 hộ gia đình kiểu mẫu trong mô hình trồng quế; Trong đó 02 công ty là: Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà và Công ty Vinasamex (Công ty Sơn Hà có 3.541,5 ha quế đạt chuẩn Organnic, UEBT và Công ty Vinasamex có hơn 3.850 ha quế hữu cơ tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn). Đoàn được trực tiếp thăm quan nhà máy, hệ thống dây chuyền, quy trình sản xuất các sản phẩm quế của Công ty, thăm trang trại trồng quế đạt chứng nhận UEBT của hộ gia đình liên kết sản xuất với Công ty. Qua trao đổi với Công ty và hộ nông dân, các thành viên của đoàn đã được giải đáp những thắc mắc và nhận ra một số điều, như: (1) Sự khác nhau trong việc canh tác quế ở Văn Yên, Yên Bái và tại Lào Cai là mật độ trồng, việc tỉa cành quế. Điều này dẫn tới những thế mạnh khác nhau: Quế Yên Bái có hàm lượng tinh dầu cao nhưng nhiều mấu mắt, Quế lào Cai có hàm lượng tinh dầu không cao bằng Quế Yên Bái nhưng thế mạnh lại là thẳng, ít mấu mắt thích hợp làm quế sáo; (2) Tiêu chuẩn, cách thức sản xuất kinh doanh quế bền vững không quá phức tạp, thực chất chỉ cần người dân tuân thủ đúng kỹ thuật canh tác theo khuyến cáo, không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật và chú ý đến các yếu tố theo tiêu chuẩn hữu cơ; (3) Việc sản xuất quế bền vững theo chứng nhận UEBT có đầu ra ổn định, ngoài mang lại giá trị sản phẩm cao hơn, người sản xuất được nhận trả thưởng từ 10 – 20% giá trị sản phẩm từ người mua sau mỗi vụ thu hoạch mà Công ty là bên trung gian chi trả.

anh tin bai

Ảnh: Tham quan nhà máy dây chuyền sản xuất Công ty Sơn Hà

 (4) Người dân được tập huấn và tuân thủ theo quy trình canh tác mà Công ty đưa ra đã dần thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen phun thuốc trừ cỏ, phun hóa chất hóa học bừa bãi… thay vào đó họ có ý thức bảo vệ sức khỏe, bảo vệ hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tốt hơn. Đặc biệt, việc đốt nương là nguyên nhân chính gây suy thoái, bạc màu đất, ảnh hưởng trực tiếp tới đa dạng sinh học; (5) Quyền lợi của người trồng quế được đảm bảo thông qua việc được cam kết bao tiêu đầu ra đúng giá thị trường tại thời điểm mua, và thưởng thêm 1.000đ/kg sản phẩm tươi, với những sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng của Công ty; (6) Ngoài cam kết về giá sản phẩm và đầu ra ổn định, công ty cùng với địa phương xây dựng các kế hoạch cải thiện chất lượng sống cho người dân địa phương như việc đánh giá mức lương đủ sống và đề ra phương án cải thiện, đảm bảo mức sống; tham gia xây dựng kế hoạch quản lý rác thải, nước thải, cùng với địa phương đầu tư chi phí để người dân thực hiện và đạt được kết quả tốt, đem lại môi trường nông thôn vệ sinh sạch sẽ; tham gia xây dựng kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học, cấp kinh phí cho người dân xây dựng mô hình thân thiện đa dạng sinh học kiểu mẫu để đánh giá hiệu quả và truyền thông cho các hộ dân trong vùng làm theo khi nó mang lại lợi ích đáng kể.

anh tin bai

Ảnh: Tham quan công ty Vinasamex

Ngoài ra, còn một số hộ gia đình tiêu biểu như ông Nguyễn Trí Tuệ, thôn 5, Đào Thịnh, Trấn Yên. Ông cùng 08 thành viên trong tổ liên kết có 30 ha trồng quế đạt chứng nhận UEBT. Tổng giá trị sản phẩm quế mang lại cao hơn gần 1,5 lần so với quế không có chứng chỉ. Ngoài nguồn thu chính từ quế, từ năm 2023 hộ gia đình tham gia mô hình đa dạng sinh học trồng xen cây bản địa dưới tán rừng quế, mang lại thu nhập cao. Trước kia trồng sắn thu khoảng 4-5 triệu/ha/năm, nay trồng nghệ, trồng ba kích xen với quế thu hơn 20 triệu đồng/ha/vụ. Khoảng cách trồng xen hộ đang thực hiện là 4m phía dưới chân đồi, trên đồi là 5m.

anh tin bai

Mô hình canh tác quế thân thiện đa dạng sinh học

Sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến quế bền vững đạt chứng nhận Organic, UEBT tại huyện Văn Trấn, Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, người dân và đại diện chính quyền xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã nhận thức được lợi ích mang lại từ việc thực hiện phát triển sản xuất quế theo hướng đạt chứng nhận UEBT và cam kết sẽ chủ động tổ chức sản xuất, cũng như tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tại địa phương cùng thực hiện để xây dựng vùng quế hữu cơ Bảo Yên, góp phần phát triển kinh tế hộ và xây dựng nông thôn mới./.

Nguyễn Mạnh Hùng - Chi cục Kiểm lâm



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập