Ảnh: Chó mắc bệnh Dai
Trong 02 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát hiện 05 con chó mắc bệnh Dại tại TP Lào Cai, huyện Bát Xát và Bảo Thắng. Ngày 20/02/2025 có 01 người tử vong do mắc bệnh dại tại thôn Suối thầu 1, xã Ngũ Chỉ Sơn. Để công tác phòng, chống bệnh Dại đạt kết quả cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống bệnh dại:
1. Đặc điểm của bệnh Dại
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người và không có thuốc điều trị. Bệnh Dại chủ yếu lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị Dại, như: Chó, mèo hoặc có thể là các động vật hoang dã (dơi, chồn, cầy, cáo…và động vật có vú khác) sang người qua vết cắn, liếm vào vết thương hoặc qua vết trầy xước, lớp niêm mạc miệng, mũi của người.
Sau khi bị chó, mèo bị bệnh Dại cắn, thời gian ủ bệnh thường từ 10 ngày đến 03 tháng, có thể kéo dài đến 1 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
2. Các biểu hiện bệnh Dại ở chó, mèo
Chó, mèo bị bệnh Dại có dấu hiệu khác thường như: Trốn vào góc tối, kín đáo, tru lên từng hồi, bồn chồn, nhảy lên đớp không khí, liếm hoặc tự cắn cào đến rụng lông, chảy máu. Con vật bỏ ăn, sốt, có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được, chảy nước dãi, sùi bọt mép, bồn chồn, sợ sệt, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng. Con vật thường bỏ nhà đi và không trở về, trên đường đi gặp vật gì cũng cắn, gặm, tấn công chó khác, tấn công người, kể cả chủ.
Ảnh: Triệu chứng của chó mắc bệnh Dại
3. Biểu hiện của người mắc bệnh Dại
Người mắc bệnh Dại sẽ có biểu hiện bằng các triệu chứng kích động (thể cuồng) như: Sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, co giật, dữ tợn, điên cuồng hoặc các triệu chứng liệt (thể liệt) tiến tới hôn mê và 100% tử vong.
4. Các biện pháp phòng, chống bệnh Dại
Bệnh Dại đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách thực hiện biện pháp sau:
Đối với chó, mèo:
- Nuôi chó phải thực hiện xích, nhốt; chó ra đường phải được đeo rọ mõm, có người dắt.
Ảnh: Nuôi chó cần phải xích và phải có dọ mỗm khi cho chó ra ngoài
- Tiêm phòng vắc xin Dại cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Ảnh: Tiêm phòng vắc xin dại cho chó
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, nhất là chó, mèo chạy rông ngoài đường.
- Theo dõi, cách ly và báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền xã, phường, thị trấn nếu chó mèo có biểu hiện khác thường, nghi ngờ bệnh Dại.
- Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
- Thực hiện kê khai nuôi chó, mèo với chính quyền cơ sở thông qua trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố.
- Hạn chế nuôi chó, mèo đặc biệt đối với những gia đình có trẻ em vì trẻ em thường hay lê la, đùa nghịch, ôm hôn chó mèo dẫn đến nguy cơ bị chó, mèo cắn, cào.
- Chủ nuôi cho phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Đối với con người:
- Đối với người khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa vết thương với xà phòng, nước sạch; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời.
- Trường hợp bị chó, mèo nghi Dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh Dại cần đến ngay cơ sở Y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng kháng huyết thanh, vắc xin Dại càng sớm, càng tốt.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.
- Đối với những người có nguy cơ nhiễm virus cao như người làm nghề giết mổ chó, mèo, người làm việc liên quan đến khu vực lưu hành bệnh Dại cần tiêm phòng vắc xin dự phòng Dại hàng năm.
- Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh Dại và cách phòng, chống; tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo./.