Lào Cai 27° - 28°
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI “Nghiên cứu ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học và hữu cơ khoáng, tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao giá trị mận Tả Van ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai”

         Mận Tả Van Si Ma Cai là giống mận chủ lực của tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Si Ma Cai nói riêng, mận Tả Van là giống mận giòn, ngọt đậm, thơm, những năm gần đây người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, được xác định là một trong những cây ăn quả chủ lực phát triển nông nghiệp hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và các đô thị lớn, là cây có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh của huyện vùng cao Si Ma Cai. Mận Tả Van là một giống mận ngon, trong những năm gần đây được chú trọng phát triển, tính đến hết năm 2023, tổng diện tích mận Tả Van toàn tỉnh có trên 1.000ha, phân bố tập trung chủ yếu tại 2 huyện Si Ma Cai (513,7ha) và Bắc Hà (trên 200ha), năng suất đạt 35,1 tạ/ha,  sản lượng mận Tả Van 2.574 tấn.

         Si Ma Cai là huyện vùng cao có thế mạnh trồng cây ăn quả ôn đới (1.467ha), trong đó có mận Tả Van, toàn huyện tổng diện tích mận Tả Van là 513,7ha, diện tích cho thu hoạch 313,2ha, năng suất bình quân đạt 60tạ/ha, sản lượng hàng năm 1.878tấn. Mận Tả Van là cây trồng chủ lực, là sản phẩm đặc hữu của huyện Si Ma Cai, khi chín có màu đỏ, phớt phấn trắng, bên trong đỏ rực, vị thơm, giòn và ngọt đậm lẫn với vị chua nhẹ tự nhiên, hiện nay đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mận Tả Van Si Ma Cai”. Mận Tả Van đã góp phần tích cực nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận đồng bào dân tộc địa phương.

         Đề tài nghiên cứu tập trung vào các nội dung chính đó là: Nghiên cứu hoàn thiện qui trình kỹ thuật bón phân hữu cơ SH nông lâm HDT 02 và phân bón hữu cơ Lào Cai cho mận Tả Van tại Si Ma Cai; Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn và đào tạo tập huấn kỹ thuật thâm canh mận Tả Van cho nông dân và cán bộ khuyến nông xã, thôn bản theo quy trình Vietgap/Hữu cơ;  Xây dựng mô hình 20 ha thâm canh tổng hợp mận Tả Van và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia (5ha)và chứng nhận Vietgap (15ha); xây dựng mối liên kết giữa hộ sản xuất mận – Tổ hợp tác - Hợp tác xã– doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mận, đề tài được thực hiện từ tháng 3/2022 đến hết tháng 12/2024.

          Những kết quả đạt được cụ thể như sau:

         1. Nghiên cứu hoàn thiện qui trình kỹ thuật bón phân hữu cơ SH nông lâm HDT 02 và phân bón hữu cơ Lào Cai cho mận Tả Van tại Si Ma Cai.

         * Bón phân hữu cơ SH nông lâm HDT 02 cho mận Tả Van. Kết quả nghiên cứu cho chúng tôi thấy:

         Bón phân hữu cơ SH nông lâm HDT 02 với lượng 15kg/gốc chia 3 thời kỳ, trước khi ra hoa 10 ngày (8 kg); Bón nuôi quả (4kg) và bón phục hồi cho cây sau thu hoạch (3kg) kết hợp 30kg phân chuồng cho năng suất cao nhất, cây mận Tả Van sinh trưởng phát triển tốt nhất.

anh tin baianh tin bai

Hình 1 -2: Nghiên cứu bón phân hữu cơ SH nông lâm HDT 02 cho mận Tả Van tại thôn Chu Liền Chải – xã Quan Hồ Thẩn huyện Si Ma Cai

         * Bón phân hữu cơ Lào Cai cho mận Tả Van: Bón phân hữu cơ Lào Cai với lượng 50kg/gốc chia 3 lần theo giai đoạn sinh trưởng của cây: lần 1 trước khi ra hoa 10 ngày (25kg); Lần 2 bón nuôi quả (15kg) và lần 3 bón phục hồi cho cây sau thu hoạch (10kg) kết hợp 30kg phân chuồng cho năng suất cao nhất, cây mận Tả Van sinh trưởng phát triển tốt nhất.

anh tin baianh tin bai

Hình 3-4 : Nghiên cứu  bón phân hữu cơ Lào Cai cho mận Tả Van tại thôn Seng Sui – xã Lùng Thẩn – huyện Si Ma Cai

         * Nghiên cứu ảnh hưởng của biện pháp che phủ lưới nilon để nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh mưa đá, mưa to giai đoạn mận Tả Van ra hoa đậu quả: Kết quả nghiên cứu cho thấy công thức có phủ lưới sau khi đậu quả cho năng suất cao nhất.

         2. Xây dựng mô hình 20 ha thâm canh tổng hợp mận Tả Van và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia TCVN 11041-2:2017 (5ha)và chứng nhận Vietgap TCVN 11892-1:2017(15ha)

         Những kết quả nghiên cứu trên được sử dụng để áp dụng vào việc xây dựng mô hình Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp mận Tả Van và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với tổng diện tích 20ha, với mục tiêu năng suất tăng ít nhất từ 15%, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống đảm bảo chất lượng sản phẩm mận an toàn.

         Kỹ thuật bón phân được chuyển  giao cho người dân  tham gia mô hình là bón phân hữu cơ Lào Cai với lượng 50kg/gốc chia 3 lần theo giai đoạn sinh trưởng của cây: lần 1 trước khi ra hoa 10 ngày (25kg); Lần 2 bón nuôi quả (15kg) và lần 3 bón phục hồi cho cây sau thu hoạch (10kg) kết hợp 30kg phân chuồng áp dụng cho cả 20 ha sản xuất mận theo quy trình VietGAP (15ha) và 5ha hữu cơ.

         Mô hình 20 ha thâm canh tổng hợp mận Tả Van được ứng dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật từ kết quả nghiên cứu như biện pháp đốn tỉa tạo tán cây, sử dụng phân bón hữu cơ, vôi bột, sử dụng bẫy bả sinh học và chế phẩm vi sinh để chăm sóc phòng trừ sâu bệnh...điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm quả mận Tả Van được cải thiện rõ rệt. 

anh tin baianh tin bai

Hình 5-6: Mô hình thâm canh tổng hợp mận Tả Van tại xã Lùng Thẩn 

         Người dân được hướng dẫn các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập vào vườn của các loài dịch hại bằng việc vệ sinh vườn, quét vôi quanh gốc, khi đốn tỉa cần tạo ra các vết cắt phẳng bằng kéo cắt cành hoặc cưa, vết cắt lớn cần quét vôi trắng. Vết cắt thô ráp sẽ đọng nước và tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của dịch hại như sâu đục thân, vết loét vi khuẩn.Thu gom cành tỉa ra khỏi vườn và đốt để tránh dịch hại từ cành này xâm nhiễm vào cây trồng và gây hại trong mùa xuân năm sau. Không đặt quá nhiều vật liệu tủ gốc sát gốc cây tránh mối gây và bệnh gây hại. Loại bỏ những lá không rụng trong mùa đông để dịch hại không có nơi ẩn trú. Thu dọn và tiêu huỷ lá rụng, thu gom và đưa ra khỏi vườn để đốt. Điều này rất quan trọng vì các bệnh trên lá như bệnh xoăn lá, thủng lá, rỉ sắt sẽ lây nhiễm sang lá mới gây hại nếu không được tiêu huỷ.

         Biện pháp đốn tỉa và tạo tán cây là biện pháp tích cực mà mô hình được áp dụng có hiệu quả, tạo điều kiện cho ánh sáng, gió tới được tất cả các cành trong tán, là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng mận Tả Van. Biện pháp kỹ thuật cắt tỉa cành đã có kết quả rõ rệt, các hộ gia đình tham gia thí nghiệm, mô hình có năng suất cao gấp 1,5 đến 2 lần so với đối chức (điển hình gia đình ông Hạng A Chùa, hộ ông Hạng A Sủ), làm cho bộ tán của cây mận tả van phát triển đồng đều, cân đối tạo độ thông thoáng giúp cây mận tăng khả năng quang hợp,  góp phần cân bằng dinh dưỡng giữa sinh trưởng và phát triển, giúp cho cây khoẻ, quang hợp tốt, đảm bảo cho năng suất cao, cải thiện chất lượng.

         Biện pháp tỉa cành đã có hiệu quả, làm giảm rõ rệt sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đốm đỏ do nấm gây ra nặng nề năm 2021- 2022 trước khi thực hiện đề tài (ảnh so sánh năm 2021 bị bệnh và năm 2024, bộ lá xanh khỏe, cây cho năng suất cao hơn hẳn năm chưa thực hiện mô hình bị sâu bệnh hại nặng). 

anh tin baianh tin bai

Ảnh trái 7: Cây mận Tả Van hộ ông Hạng A Chùa (năm 2021) trước khi thực hiện đề tài bị nhiễm nặng bệnh đốm đỏ do nấm, rất quả rất ít do bộ lá bị tổn thương

Ảnh phải 8: Cây mận Tả Van hộ ông Hạng A Chùa (năm 2024) sau khi thực hiện đề tài cây mận được tỉa thông thoáng, quả mận sai, mã đẹp, đều quả

Ghi chú: Ảnh được chụp cùng 1 gia đình cùng thời điểm tháng 6 năm 2021 và 2024

         Biện pháp vít cành có tác dụng hạn chế bớt chiều cao cây, định hình bộ khung tán của cây mận tả van, kích thích các mầm, chồi mang quả phát triển, các chỉ số về tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao nhất trong mô hình cũng được thể hiện rất rõ, bộ khung tán được nhận ánh sáng nhiều giúp cây mận quang hợp giúp quá trình tích lũy dinh dưỡng tốt nhất.

         Kết quả so sánh với đối chứng cho thấy diện tích mận của cá hộ gia đình cao hơn gấp 2-3 lần so với đối chứng (gia đình ông Hảng A Phổng, chỉ đạt bình quân 6 kg/cây.

         Tình hình sâu bệnh hại: Sâu bệnh đã được cải thiện rất rõ rệt ở cả hai mô hình do được áp dụng các biện pháp kỹ thuật đốn tỉa làm cho bộ tán của cây mận tả van phát triển đồng đều, cân đối tạo độ thông thoáng giúp cây mận tăng khả năng quang hợp,  góp phần tạo ra và duy trì sự cân bằng giữa sinh trưởng và phát triển trong nội tại cây trồng làm cho cây trồng có tình trạng sức khoẻ hợp lý, cải thiện chất lượng giảm thiểu sâu bệnh hại, góp phần tăng năng suất nhiều lần so với trước khi thực hiện đề tài.

       Chất lượng quả mận Tả Van: Nhờ được áp dụng các biện pháp kỹ thuật bón phân hữu cơ, tỉa cành hạn chế sâu bệnh nên chất lượng quả cũng cải thiện rõ rệt, quả chín đều, đẹp mã, ngọt đậm, độ chua giảm hơn, vỏ quả sáng, mẫu mã đẹp, độ Brix cao hơn hẳn so với đối chứng.

       Hiệu quả kinh tế: Căn cứ vào năng suất mận năm 2024, bình quân năng suất trong khu vực đề tài đạt 25kg/cây, tương đương 10 tấn/ha (tăng 40% so với NS bình quân chung toàn huyện 6 tấn/ha, vượt mục tiêu đề tài là 25%), giá bán bình quân 20.000đ/kg, tổng thu 1 ha (400 cây) đạt 200 triệu. Trừ chi phí phân bón hữu cơ 50kg/gốc (20 tấn/ha, chi phí 60 triệu), công chăm sóc, vôi quét gốc cây chi phí 5 triệu, tổng chi hết 65 triệu. Lợi nhuận thu được là 135 triệu/ha, (Thu BQ 337.000đ/cây), cao gấp 5 lần so với đối chứng (2 tấn/ha, giá bán 15.000đ/kg do mẫu kém, tổng thu 30 triệu, trừ chi phí 5 triệu/ha, còn thu 25 triệu/ha (tương đương 62.500đ/cây).

         Về liên kết tiêu thụ: Đề tài đã thành lập được 2 tổ liên kết sản xuất và đã liên kết với Hợp tác xã Mản Thẩn, HTX nông lâm nghiệp- dịch vụ -thương mại và dược liệu xã Nàn Xín đã và đang tiêu thụ mận Tả Van cho dân năm 2023 và 2024 đã gửi mẫu mận Tả Van vào thị trường Sài Gòn để giới thiệu sản phẩm, địa phương tham gia liên kết sản xuất. Ngoài ra nhóm nghiên cứu đã mời Tiến sĩ Từ Việt Phú, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, đồng thời là chủ Doanh nghiệp về sản xuất rượu từ trái cây lên nghiên cứu, sản xuất rượu vang từ quả mận Tả Van, sản phẩm đã có bán thử trên thị trường Hà Nội được đánh giá rất tốt.

anh tin baianh tin bai

Ảnh 9-10: Sản phẩm chế biến rượu từ mận Tả Van được thị trường đón nhận và đánh giá cao  

         3. Kết luận – kiến nghị

         Qua kết quả nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp cho mô hình thâm canh mận Tả Van, áp dụng bón phân hữu cơ cân đối hợp lý và chăm sóc đốn tỉa cây đúng kỹ thuật đã cho kết quả rất tốt. Từ kết quả nghiên cứu áp dụng cho mô hình đã giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng, tác động các biện pháp cơ giới cắt đốn tỉa cành, chăm sóc bón phân theo giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây đã cải thiện năng suất, chất lượng của cây mận tả van rõ rệt.

           Vụ thu hoạch năm 2024 là vụ cuối cùng trong 3 năm thực hiện nghiên cứu, kết quả mô hình cần được phổ biến rộng rãi biện pháp bón phân hữu cơ theo chu kỳ sinh trưởng của cây mận (3 giai đoạn), kết hợp chăm sóc phòng trừ sâu bệnh ngay từ cuối năm trước khi cây phân hóa mầm hoa (tháng 11 hàng năm) cần được đốn tỉa cành, chăm sóc bón phân cho cây phục hồi để tạo tiền đề cho quả năm sau. Từ kết quả nghiên cứu đề tài, nhóm nghiên cứu đã ban hành văn bản chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho toàn tỉnh (văn bản số 37/TT&BVTV ngày 13/2/2023), UBND huyện Si Ma Cai đã tổ chức phong trào ra quân chăm sóc cây ăn quả ôn đới, lấy mô hình trong đề tài làm mẫu điểm để các xã học tập. Đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Simacai tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo Nhân dân các xã trong huyện (các xã có diện tích mận Tả Van nhiều như Quan Hồ Thẩn, Nàn Xín, Lùng Thẩn…) thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật đã hướng dẫn.

         Việc chứng nhận tiêu chuẩn vườn mận Tả Van đạt tiêu chuẩn Hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2 cho 5ha tại tổ sản xuất thuộc thôn Seng Sui(10 hộ) và 15ha chứng nhận tiêu chuẩn Vietap cho tổ sản xuất (10 hộ) tại thôn Lử Thẩn cần được duy trì thường xuyên, đề nghị UBND xã Lùng Thẩn quan tâm chỉ đạo 2 tổ sản xuất (20 hộ) thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật do chuyên gia hướng dẫn. Đề nghị UBND huyện Si Ma Cai tiếp tục chỉ đạo các thôn, xã trong huyện hướng dẫn Nhân dân duy trì các biện pháp canh tác và mua phân Hữu cơ Lào Cai bón cho cây nhằm phục hồi dinh dưỡng cho cây sau thu hoạch (bón trong tháng 8) sau khi đốn tỉa, vệ sinh vườn sạch sẽ để tránh tồn dư sâu bệnh lây lan sang vụ năm sau 2025./.

Ths. Cao Thị Hòa Bình - Chi cục trưởng Chi cục TT và BVTV Lào Cai
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập