Chuyển đổi số - chìa khóa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trong kỷ nguyên số
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nguy cơ cháy rừng gia tăng, việc ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được đánh giá như là một chìa khóa, là giải pháp mang tính đột phá giúp cải thiện hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng. Bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, chúng ta không chỉ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn nâng cao khả năng ứng phó nhanh chóng và chính xác với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Vai trò của chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Xây dựng cơ sở dữ liệu số toàn diện: Cơ sở dữ liệu số về rừng và đất lâm nghiệp giúp quản lý và theo dõi tài nguyên thiên nhiên một cách khoa học và chính xác. Việc cập nhật diễn biến tài nguyên rừng thường xuyên giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng thể về hiện trạng rừng trên một đơn vị diện tích để đưa ra được những chính sách, cơ chế điều hành phù hợp; đồng thời có phương án sử dụng nguồn tài nguyên rừng một cách hiệu quả, bền vững.
Ảnh: Cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng bằng phần mềm chuyên dụng
Nâng cao hiệu quả quản lý: Thông qua việc ứng dụng công nghệ số, công tác quản lý rừng đã có những bước tiến đáng kể. Các công cụ giám sát rừng hiện đại, như vệ tinh và máy bay không người lái (drone/flycamera), cho phép giám sát diện tích rừng rộng lớn một cách liên tục và chính xác. Những hình ảnh và dữ liệu thu thập từ các thiết bị này giúp cơ quan quản lý nhanh chóng phát hiện các vấn đề như khai thác gỗ trái phép hay sự thay đổi diện tích rừng theo thời gian thực, đồng thời cung cấp các giải pháp xử lý thông minh.
Ảnh: Hệ thống flycamera phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR
Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả hơn: Công nghệ số giúp nâng cao khả năng bảo vệ rừng thông qua Hệ thống cảnh báo sớm về cháy rừng dựa trên dữ liệu thời tiết và điều kiện môi trường, cùng với các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm, giúp phát hiện sớm các nguy cơ cháy rừng. Nhờ đó, các biện pháp phòng cháy và chữa cháy được triển khai kịp thời, điều này hỗ trợ các cơ quan chức năng đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Ảnh: Phần mềm phát hiện sớm cháy rừng
Định hướng tương lai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp Hệ thống thông tin địa lý (GIS), một số hoạt động chính gồm: (1) Tích hợp cảm biến môi trường và AI để thu thập dữ liệu thời gian thực về nhiệt độ, độ ẩm, và mật độ cây rừng. (2) Sử dụng hình ảnh vệ tinh và phân tích AI để theo dõi diện tích rừng, phát hiện thay đổi do khai thác hoặc phá rừng bất hợp pháp. (3) Xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu rừng thông minh bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu rừng số hóa, tích hợp AI để phân tích và dự báo các xu hướng diễn biến tài nguyên rừng, biến đổi rừng; Tự động lập báo cáo đánh giá tình trạng rừng dựa trên dữ liệu thu thập. (4) Cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng, AI phân tích dữ liệu cảm biến môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió) để dự báo nguy cơ cháy rừng; Tích hợp AI với bản đồ GIS để cung cấp vị trí chính xác của các khu vực có nguy cơ cháy cao. (5) Sử dụng mô hình AI để mô phỏng và dự đoán đường lan của lửa nếu xảy ra cháy rừng.
Khó khăn và giải pháp cho chuyển đổi số trong bảo vệ rừng: Thiếu nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng công nghệ; hạn chế về nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lâm nghiệp.
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp tiên phong giúp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Việc áp dụng công nghệ hiện đại và đầu tư đồng bộ, bài bản sẽ đảm bảo một tương lai xanh bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sống và phát triển kinh tế bền vững./.