Lào Cai 24° - 26°
Lào Cai đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Vẫn trên những mảnh ruộng, cánh đồng ấy, người nông dân chỉ mong sao cho đủ ăn, thì nay họ đã tính đến chuyện làm giàu. Vẫn là từ cây rau, cây hoa, nông dân Lào Cai đã mạnh dạn áp dụng những quy trình sản xuất nông nghiệp tiến bộ để thu được những giá trị kinh tế trước kia chưa hề có. Với mục tiêu là nâng cao chất lượng, năng suất và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công cao giai đoạn 2016-2020 được tỉnh Lào Cai tích cực và thu được nhiều kết quả nổi bật. Việc  ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông lâm nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân đang được triển khai rộng khắp, tạo những bước tiến dài và vững chắc cho ngành nông nghiệp Lào Cai trong thời gian qua.

 Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Lào Cai đạt được những kết quả tích cực; tốc độ tăng trưởng mạnh và ổn định, đảm bảo an ninh lương thực; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại; hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống vật chất tinh thần của dân cư khu vực nông thôn đang ngày càng được cải thiện. Với tỷ trọng GDP không lớn (chỉ khoảng 17%), nhưng nông, lâm nghiệp đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 70% dân cư nông thôn góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người nông dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, ổn định chính trị - xã hội khu vực nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ tỉnh Lào Cai và Đề án: Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 của Tỉnh ủy, trong 2 năm trở lại đây, Lào Cai đã hợp tác cùng tỉnh Lâm Đồng trong chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm khai thác những lợi thế khí hậu, đất đai của địa phương. Chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lào Cai đã thu được kết quả khả quan trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các vùng cây dược liệu. Hết năm 2017, toàn tỉnh có gần 1.230 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng CNC cao bình quân 229,55 triệu đồng/ha, đạt trên 88% mục tiêu đến 2020. Trên địa bàn tỉnh, đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp CNC và ứng dụng một phần CNC, mang lại giá trị kinh tế vượt bậc.

Với lới thế về khí hậu, thổ nhưỡng, Sa Pa được lựa chọn là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng tâm của Lào Cai. Đến Sa Pa vào thời điểm này chúng ta có thể được tận mắt chứng kiến những mô hình sản xuất rau củ công nghệ cao vô cùng ấn tượng. Điển hình như mô hình trồng nấm hương trong nhà công nghệ tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa với quy mô 5 ha, hiện đang cho thu hoạch với năng suất từ 1 - 1,5 tấn nấm tươi/ngày, sản phẩm được sấy khô để xuất khẩu với giá từ 600-800 nghìn đồng/kg (tùy loại) ước doanh thu trên 30 tỷ đồng/năm. Đây là một trong số rất nhiều mô hình trồng rau củ chất lượng cao đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 280 ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đạt 282ha, tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên. Các công nghệ ứng dụng gồm: Hệ thống nhà công nghệ, nhà lưới; canh tác trên giá thể hoặc trên luống đất có che phủ bằng nilong; sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt (VietGAP); sơ chế, đóng gói bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Bình quân mỗi ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 420 triệu đồng đến 525 triệu đồng/ha/năm.

Thực hiện chương trình ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, Lào Cai cũng lựa chọn cây hoa là một trong những cây trồng tiên phong áp dụng. Tại những địa bàn được thiên nhiên ưu ái, khí hậu mát mẻ quanh năm như Sa Pa, Bắc Hà, những loài hoa có nguồn gốc ôn đới và bán ôn đới được tập trung phát triển. Trong hai năm trở lại đây, sản xuất hoa ứng dụng CNC tại các địa phương này có bước phát triển nhanh với các sản phẩm hoa cắt cành và hoa để chậu, trong đó phải kể tới các loài hoa nổi tiếng như hoa li, hoa hồng, địa lan...Đến nay, diện tích sản xuất hoa ứng dụng CNC đã đạt trên 105ha, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng; xây dựng hệ thống nhà công nghệ, nhà lưới; cơ giới hoá khâu làm đất; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; sử dụng công nghệ trong sơ chế quản quản sau thu hoạch. Từ đó, doanh thu bình quân từ trồng hoa ứng dụng CNC đạt 450 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có hoa Lily đạt 3-3,5 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 600-800 triệu đồng/ha/năm; hoa hồng đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt tới 300 triệu đồng/ha/năm.

Những năm gần đây, Lào Cai dành nhiều sự quan tâm đối với phát triển sản xuất cây dược liệu - cây trồng được xác định mang lại giá trị kinh tế cao. Cây dược liệu, chủ yếu là y dĩ, xuyên khung, atiso, đương quy, tam thất… được trồng chủ yếu tại các huyện vùng cao có khí hậu đặc thù, như Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và Bắc Hà, mang lại thu nhập cao, ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng cây dược liệu đòi hỏi nhiều kỹ thuật trong chăm sóc, phòng và trị sâu bệnh. Hiện lại chưa có quy trình chuẩn dành cho sản xuất các loại cây dược liệu, nên việc phát triển đều do nhà đầu tư vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây chính là những căn cứ để khẳng định ứng dụng công nghệ cao là giải pháp tối ưu trong sản xuất cây dược liệu hiện nay. Trên cơ sở đó, đến nay, toàn tỉnh có 176 ha đất sản xuất cây dược liệu ứng dụng CNC, tập trung chủ yếu tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà và Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương. Công nghệ áp dụng sản xuất cây dược liệu là canh tác trong hệ thống nhà lưới, dùng màng nilon bao phủ luống, tưới nước tự động hoặc bán tự động, sử dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Ước giá trị thu nhập bình quân một năm trên đơn vị ha diện tích canh tác cây dược liệu đạt 150 triệu đồng, lợi nhuận bình quân trên 40 triệu đồng/ha/năm; Tam thất cho lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha.

Với lợi thế khí hậu và thổ nhưỡng, Lào Cai điều kiện để phát triển nhiều loại cây ăn quả ôn đới, trong đó có nhiều giống cây ăn quả bản địa có giá trị kinh tế cao. Khai thác tiềm năng đó, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung cải tạo và phát triển vùng cây ăn quả ứng dụng CNC. Trên cơ sở sử dụng cây giống có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng; đốn tỉa cành, tỉa quả chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật của Pháp, Úc; sử dụng túi bọc quả chống côn trùng chích hút; sơ chế, bảo quản, đóng gói sản phẩm sau thu hoạch, đến nay, diện tích canh tác cây ăn quả ôn đới của tỉnh Lào Cai đã đạt 124 ha tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, TP Lào Cai. Giá trị thu nhập bình quân trên 120 triệu đồng/ha. Tiêu biểu như mô hình trồng dâu tây tại xã Sa Pả, huyện Sa Pa với quy mô 7.000 m2 nhà công nghệ, ứng dụng công nghệ canh tác bán thủy canh với giá trị đầu tư trên 3 tỷ đồng. Hiện tại hợp tác xã đang trồng trên 10 loại dâu tây chất lượng cao toàn bộ diện tích được đầu tư hệ thống tưới tự động và sử dụng bẫy côn trùng để không phải can thiệp bằng thuốc bảo vệ thực vật. Vườn dâu tây đang cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng ước đạt 8-10 tấn/năm, ước doanh thu 2 tỷ đồng/năm. Cùng với các vùng trồng rau, trồng hoa, cây ăn quả, Lào Cai cũng đang hình thành rõ nét các vùng trồng chè chuyên canh chất lượng cao, tạo thành một trong những mũi nhọn trong tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. 

 

 

Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại Lào Cai 

Diện tích chè chất lượng cao của toàn tỉnh đạt 885ha, trong đó có 483ha ứng dụng CNC tập trung tại các địa phương Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Sa Pa với các giống chè quý như Ô Long, kim Tuyên. Việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất chè bao gồm sử dụng giống chè chất lượng cao, cơ giới hóa khâu làm đất, chăm sóc, trồng cây che bóng trong vườn chè; áp dụng quy trình sản xuất an toàn hoặc quy trình thực hành nông nghiệp tốt sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phun thuốc phòng trừ dịch bệnh tự động hoặc bán tự động; công nghệ chế biến tiên tiến với các sản phẩm chè tinh chế giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Giá trị thu nhập bình quân từ cây chè ứng dụng công nghệ cao đạt  trên 70 triệu đồng/ha

Tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành nông nghiệp Lào Cai quan tâm thực hiện. Hiện nay, tỉnh có 2 đơn vị sản xuất cây giống sạch bệnh bằng công nghệ cao là Trung tâm giống NLN và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao TBKHK. Các đơn vị này đang thực hiện việc sản xuất giống bằng công nghệ kỹ thuật tiên tiến đối với một số giống cây rau, hoa, cây ăn quả và một số giống cây lâm nghiệp.

Một công nghệ nổi bật đang được Trung tâm giống NLN thực hiện ứng dụng công nghệ khí canh sản xuất cây khoai tây dòng giống gốc Trung tâm đã vận hành hiệu quả 2 nhà khí canh tại Trung tâm và Trại Nghiên cứu sản xuất rau, quả Bắc Hà. Năng suất đạt 35- 40 củ/cây (cao gấp 8-10 lần so với sản xuất trên đất. Áp dụng công nghệ khí canh sẽ góp phần giảm chi phí về nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả kinh tế cao và có giống gốc sạch bệnh để tiếp tục nhân các cấp giống tiếp theo. Ngoài ra, Trung tâm Giống NLN cũng ứng dụng kỹ thuật chiết ghép trong sản xuất giống cây ăn quả, tạo được 150 nghìn cây giống gốc ghép cây ăn quả chủ yếu cây giống các loài mận, đào, lê; hiện nay cây đang được chăm sóc tại vườn, sinh trưởng và phát triển tốt đảm bảo cung cấp ra thị trường đúng thời vụ trồng theo kế hoạch.

Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất giống được áp dụng sản xuất công nghệ cao, mà việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, chủ yếu là nuôi lợn cũng là một điểm nhấn của sản xuất nông nghiệp CNC tại Lào Cai. Thay cho việc chăn nuôi nhỏ lẻ như trước kia, đến nay, đã có 189 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp, bán công nghiệp được hình thành và phát triển đặc biệt, người chăn nuôi Lào Cai đã biết ứng dụng CNC vào sản xuất theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, với các mô hình chăn nuôi chuyên canh, con giống tốt, áp dụng quy trình VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất con giống - bao tiêu thức ăn- tiêu thụ sản phẩm. Hiện tổng đàn 534 nghìn con, đạt 94,73% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 45.000 tấn, đạt trên 90% kế hoạch đã đề ra..

Từ kết quả trên thấy rằng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC có sự chuyển biến tích cực, từng bước phát huy lợi thế đặc thù của mỗi địa phương. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phương pháp thâm canh vào sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, ứng dụng trong chăn nuôi đã mang lại cho nông dân trong tỉnh có thu nhập ổn định, góp phần tăng năng suất lao động, tăng chất lượng, sản lượng hàng hoá, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực.

Những năm vừa qua, Lào Cai đã hình thành được một số vùng phát triển cây trồng, vật nuôi với quy mô tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn mang thương hiệu Lào Cai với sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao đã được xác định là hướng đi quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 201 -2020. Sản xuất lúa chất lượng cao là một minh chứng cho việc thực hiện có hiệu quả đề án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, gắn với chế biến và thị trường. Chỉ trong 3 năm, diện tích sản xuất lúa chất lượng gắn với thương hiệu được phát triển mở rộng, đạt trên 5.000ha, giá trị thu nhập và hiệu quả sản xuất tăng từ 15- 20% so với sản xuất lúa thường. Hơn 11 nghìn tấn lúa chất lượng được tiêu thụ thuận lợi đã mang lại cho nông dân hàng trăm tỷ đồng;

Tại vùng sản xuất chè chất lượng cao của Lào Cai, năm nay, người trồng chè phấn khởi vì chè được mùa, được giá. Mức giá thu mua chè lai, chè trung du từ 6.000- 6500 đồng/kg, còn chè chất lượng cao như Kim tuyên, chè Hữu cơ…có giá cao hơn, trên 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng chè yên tâm tiếp tục chăm sóc theo hướng chè sạch và đầu tư mở rộng diện tích chè chất lượng cao. Tại vùng chè Mường Khương, hiện Công ty chè Thanh Bình cùng các xã trong vùng vẫn duy trì chất lượng hơn 1.100 ha chè theo tiêu chuẩn VietGap trên tổng số 1.400 ha chè kinh doanh. Diện tích còn lại, Công ty chè tiếp tục vận động, hướng dẫn bà con áp dụng tiêu chuẩn này để đảm bảo toàn bộ vùng chè đạt tiêu chuẩn chè sạch. Bà con nhân dân thường xuyên việc thực hiện đúng quy trình sản xuất, cung ứng 100% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dùng cho cây chè, chủ yếu là thuốc thảo mộc, thuốc sinh học, nghiêm cấm sử dụng thuốc diệt cỏ trên nương chè và các loại thuốc bảo vệ thực vật không được sử dụng trên cây chè.Việc tuyên truyền và đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát quy trình sản xuất chè an toàn như giám sát chặt chẽ, theo dõi, phát giác từ cộng đồng đã góp phần nâng cao ý thức của từng hộ sản xuất. Đây là yếu tố tiên quyết để phát triển vùng chè Mường Khương theo hướng bền vững.

Năm 2017 - 2018 được xem là năm Lào Cai thực hiện mạnh mẽ hơn chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đạt được nhiều khởi sắc và tạo được những bước đốt phá lớn trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới,  tỉnh Lào Cai sẽ  tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, ưu tiên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất hàng hóa tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nông dân. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 6%/năm; giá trị tăng thêm đạt 917 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng trưởng GDP đạt 5,4%/năm; Đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có giá trị kinh tế cao, chuyển dịch cây trồng vật nuôi, mở rộng tăng vụ để tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp và giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác, tạo ra các vùng sản xuất có quy mô lớn, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực của tỉnh để đủ sức cạnh tranh được trên thị trường./.

Thanh Hương - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập