Thủy Lợi - Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai thời kỳ đổi mới
Ngay từ khi tái lập tỉnh Lào Cai 1991, Lãnh đạo tỉnh đã nhận thức rõ định hướng phát triển kinh tế của tỉnh phải tập trung phát triển công nghiệp khai khoáng, phát triển du lịch, dịch vụ, khai thác kinh tế cửa khẩu. Nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong GDP nhưng phát triển nông nghiệp là nền tảng đảm bảo đời sống trên 80% dân số, an ninh lương thực, phát triển nông thôn luôn luôn được quan tâm hàng đầu, trong đó đầu tư phát triển thủy lợi luôn luôn là lĩnh vực ưu tiên.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, thì đầu tư hạ tầng thủy lợi là cơ sở để đảm bảo cho sự phát triển chung của toàn ngành do đó các cấp, các ngành trong tỉnh luôn dành sự quan tâm cao đối với nội dung này. Tuy nhiên, do địa hình bị chia cắt, vì vậy hệ thống ruộng đất canh tác lúa nước trong tỉnh hầu như là các khu ruộng bậc thang có diện tích thửa ruộng nhỏ, phân tán, dân cư sinh sống không tập trung. Việc phát triển thủy lợi tưới tiêu, cấp nước sinh hoạt trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại.
Nhận thấy có nhiều thách thức cần phải vượt qua, với điểm xuất phát thấp do đó, ngành thủy lợi tỉnh Lào Cai đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong cả một quá trình vừa qua. Ngay sau khi kiện toàn Sở thủy lợi sau tái lập tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ vật tư kỹ thuật cho phong trào toàn dân thi đua làm thủy lợi phục vụ tưới lúa từ nguồn vốn sự nghiệp tỉnh; tổ chức quy hoạch và đầu tư một số công trình trọng điểm như: Nâng cấp thủy lợi Phú Nhuận, Hệ thống Thủy lợi Võ Lao Văn Sơn. Song song với đó là công tác ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống các đơn vị quản lý theo đúng tình hình thực tế thời điểm đó của tỉnh, chủ trương phát triển các Ban thủy lợi cấp xã thay thế HTX kiểu cũ, xây dựng trạm quản lý thủy nông Võ Lao Văn Sơn, Trạm Nà Khằm Than Uyên, thu thủy lợi phí theo mức thu quy định của Nhà nước, khởi đầu cho sự nghiệp phát triển thủy lợi của tỉnh Lào Cai.
Hình ảnh: Phong trào toàn dân làm thủy lợi
Trải qua gần 30 năm phát triển và hoàn thiện, bằng việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong lồng ghép, huy động các nguồn vốn đầu tư như: vốn Chương trình 135, Nghị quyết 37, vốn trái phiếu Chính phủ, Chương trình 120, Chương trình 186, Chương trình 134, Chương trình 30a, vốn vay ưu đãi của Chính phủ, Chương trình MTQG XDNTM và GNBV, ... tỉnh Lào Cai đã đầu tư được trên 2.500 lượt công trình (riêng giai đoạn 2016-2020 đầu tư được 333 công trình, tổng số vốn huy động là trên 800 tỷ đồng, kiên cố được trên 450 km kênh mương, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu chủ động trên 4.500 ha đất lúa nước)
(Hình ảnh: Hồ Na Đẩy, huyện Mường Khương – một trong những công trình được đầu từ trong thời gian vừa qua)
Kết quả đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 1.143 công trình thuỷ lợi, trong đó có 108 hồ chứa nước với tổng dung tích 8,886 triệu m3 (có 03 hồ loại vừa; 105 hồ loại nhỏ); 1.034 hệ thống đập dâng kênh dẫn tự chảy, 01 hệ thống trạm bơm điện nhỏ phục vụ tưới cho 7ha lúa hai vụ và gần 1.000 tuyến kênh mương nhỏ lẻ nội đồng khác. Hệ thống kênh mương có 4.649 km các loại, trong đó có 3.359 km đã được kiên cố hóa đạt 72,25%, hệ thống đầu mối thủy lợi là 2.554 đầu mối (đầu mối kiên cố 1.800 cái, đạt 70%, đầu mối tạm 754 đầu mối). Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện đang được quản lý bởi 155 Ban quản lý công trình hạ tầng xã, 1.231 tổ quản lý thủy nông cơ sở (3.697 người), 03 Hợp tác xã có dịch vụ thủy lợi, phục vụ cung cấp nước tưới cho 44.964 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa nước là 36.356 ha; diện tích rau, màu cây trồng cạn là 6.940 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản là 1.661 ha. Theo số liệu tổng hợp rà soát, trong vụ Đông Xuân 2019-2020 hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tưới 98,6% diện tích, tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới tiên tiến tiết kiệm nước toàn tỉnh đạt 7,63%.

(Hình ảnh: Vào vụ, cấy lúa xuân của nhân dân huyện Bát Xát)
Các kết quả đạt được là nhờ sự lãnh, chỉ đạo chính xác và phù hợp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong từng giai đoạn, sự tham mưu đắc lực của Sở Nông nghiệp và PTNT trong suốt thời gian qua, cùng với đó là việc lựa chọn mô hình quản lý công trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương theo từng giai đoạn, kết hợp với sự vận dụng sáng tạo, thu hút nhiều chương trình dự án, nhiều nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, vốn tại chỗ để từng bước kiên cố hóa hệ thống công trình. Các chương trình dự án, các chính sách được ban hành phù hợp đã tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân, từ đó kêu gọi được nguồn lực từ trong lòng nhân dân. Cụ thể hóa là phong trào toàn dân làm thủy lợi, phong trào kiên cố hóa kênh mương đã làm thay đổi diện mạo hệ thống công trình của tỉnh Lào Cai, nâng tỷ lệ diện tích chủ động tưới từ 83,99% năm 2009 lên 92,11% năm 2019, đến thời điểm hiện tại không có diện tích đất nông nghiệp nào phải bỏ hoang hóa do thiếu nước canh tác.

(Hình ảnh: Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT, vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển thủy lợi nhỏ và thủy lợi nội đồng)
Ngoài những kết quả tích cực đạt được nêu trên, trong sự phát triển kinh tế xã hội chung toàn tỉnh giai đoạn hiện nay, ngành thủy lợi còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua:
Thứ nhất: Lào Cai có cơ cấu dân số trên 50% là người dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao có trình độ dân trí không cao, tỷ lệ người làm trong các tổ quản lý được đào tạo chuyên sâu qua trường lớp hầu như không có. Vì vậy kiến thức dùng trong quản lý khai thác chỉ dựa trên kinh nghiệm đúc rút qua thời gian, số ít (33,22%) là qua các lớp tập huấn ngắn ngày do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức, ngoài ra đội ngũ trực tiếp làm công tác thủy lợi tại các tổ quản lý thì thường xuyên biến động do đó khả năng tập huấn nâng cao năng lực không thể đáp ứng được so với thực tế.
Thứ hai: Do biến đổi khí hậu, mưa lũ, sạt lở đất diễn ra có mật độ dày đặc hơn, vì vậy hệ thống công trình thủy lợi trong tỉnh thường xuyên bị tác động gây hư hỏng, xuống cấp trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư có xu hướng giảm đi rõ rệt, nguồn kinh phí đóng góp từ trong dân thì luôn ở mức độ hạn chế dẫn tới việc duy trì tính bền vững của hệ thống công trình gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ ba: Hệ thống công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng trong tỉnh Lào Cai tuy đã kiên cố hóa trên 70%, tuy nhiên để đáp ứng các yêu cầu phục vụ cấp nước trong thời kỳ thực hiện các Đề án tái cơ cấu Kinh tế nông lâm nghiệp, Đề án tái cơ cấu thủy lợi còn cần nguồn lực đầu tư tương đối lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.
Hà Trường Giang
Chi cục Thủy Lợi