Lào Cai 25° - 27°
Tấm gương điển hình phát triển kinh tế lâm nghiệp xã Sơn Hà huyện Bảo Thắng

 

Nhằm phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, gia đình ông Trần Văn Thưởng, thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng đã tập trung vào việc phát kinh tế nông lâm nghiệp, trong đó chú trọng triển rừng. Hiện nay, gia đình ông được đánh giá là hộ gia đình có kinh tế vững tại địa phương.

 Rừng giống Quế và vườn ươm của gia đình ông Trần Văn Thưởng

Năm 1993, từ vùng đất chiêm trũng Nam Định, ông Trần Văn Thưởng khăn gói lên xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng để lập nghiệp xây dựng quê hương thứ hai. Với diện tích đất khai hoang ban đầu và đầu tư mua của các hộ gia đình xung quanh gần 20 ha đất lâm nghiệp, ông đã chăn trở suy nghĩ cũng như tìm tòi học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Thời gian đầu ông đầu tư phát triển cây Vải, Na, Mơ nhưng hiệu quả kinh tế không cao do cây Vải, Na cho thu hoạch sản lượng quả thấp, mẫu mã không đẹp, chất lượng quả không cao, cây Mơ không có thị trường tiêu thụ nên ông Thưởng quyết định tìm hướng đi mới. Ông Thưởng đã đi tìm hiểu phát triển một số loài cây ở một số địa phương khác từ đó ông Thưởng đã xác định mục tiêu và có kế hoạch phát triển về kinh tế nông lâm kết hợp để làm hướng đi cho gia đình mình. Nhưng thời điểm đó gia đình ông đang thiếu vốn, thậm trí thiếu ăn và kinh nghiệm trồng rừng chưa có, mà chu kỳ thu hoạch các sản phẩm từ rừng lại dài ít nhất từ 7 đến 10 năm, trong khi tại địa phương chưa có ai làm, không có người ủng hộ. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của một số hộ gia đình kỳ cựu kỹ thuật trồng rừng, bằng sự quyết tâm, nỗ lực, ý chí vươn lên của bản thân, vượt qua các định kiến của xã hội ông Thưởng suy nghĩ muôn làm giàu phải trồng rừng, phủ xanh đất trống, phát triển cây đa mục đích. Cùng với đó phát triển nông nghiệp, thủy sản để lấy ngắn nuôi dài. Ông Thưởng đã quy hoạch, cải tạo quỹ đất sẵn có của gia đình đào ao thả cá với diện tích mặt nước gần 1000m2 để nuôi cá, làm ruộng nước, trồng cây hoa màu và phát triển cây Quế, Mỡ trên diện tích đất lâm nghiệp. 

Khó khăn là vậy, xong bằng sự nỗ lực cố gắng vươn lên, đến nay, gia đình ông đã trồng được gần 20 ha rừng chủ yếu là Quế, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, ước tính giá trị tại thời điểm hiện nay khoảng 4 tỷ đồng. Cùng với đó nhận thấy nhu cầu phát triển cây Quế ở địa phương cao nên ông đã đầu tư phát triển vườn ươm với công suất 0,5 triệu cây/năm để cung ứng ra thị trường. Ông Thưởng còn mạnh dạn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, chuyển hóa 5,7ha rừng Quế sang rừng giống cho thu hoạch hạt giống mỗi năm trung bình 3 tấn, cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng. Sau khi được Hạt Kiểm lâm tuyên truyền, vận động, ông Thưởng đã tham gia tổ hợp tác phát triển Quế hữu cơ của thôn Làng Chưng xã Sơn Hà để nâng cao giá trị sản phẩm Quế trong thời gian tới, ông là hội viên tích cực trong việc hoạt động, hướng dẫn các hội viên trong tổ phát triển Quế hữu cơ.  

Ông Thưởng cho biết: Sau hơn 20 năm thực hiện phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, tôi thấy hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại rất cao, giúp gia đình tôi có được cuộc sống ổn định hơn. Trong thời gian tới gia đình tôi tiếp tục phát triển cây Quế theo hướng hữu cơ, bền vững. Bảo vệ, chăm sóc phát triển diện tích rừng giống Quế để cung cấp giống cho nhân dân trong vùng phát triển cây Quế.

Có thể khẳng định rằng, công tác trồng rừng kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình ông Thưởng nói riêng, nhân dân trên địa bàn xã Sơn Hà nói chung. Để tiếp tục đưa ngành lâm nghiệp  trở thành ngành trụ đỡ của nền kinh tế, thời gian tới cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, cần cụ thể hóa Nghị quyết 10 của Ban thường vụ tỉnh ủy với từng địa phương bằng các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế từ rừng trồng, làm tốt công tác phát triển rừng, gắn với phát triển cây Quế theo hướng chuỗi giá trị; đưa các giống cây lâm nghiệp mới năng suất, chất lượng vào trồng kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững tại địa phương./. 

                                                Bùi Văn Định - Hạt Kiểm lâm Bảo Thắng

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập