Lào Cai 25° - 26°
Một số giải pháp trong thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU phát triển kinh tế đồi rừng trên địa bàn huyện Bảo Thắng

 

Giai đoạn 2016-2020, huyện Bảo Thắng chủ yếu tập trung phát triển rừng sản xuất, thực hiện trồng rừng theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Kết quả thực hiện đã trồng mới 3.771ha rừng và trồng 1 triệu cây lâm nghiệp phân tán, trồng lại rừng sau khai thác đạt 2.568ha. Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện thâm canh rừng để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng. Việc thâm canh tạo ra những diện tích rừng có năng suất, chất lượng cao từ đó góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tuy nhiên trong giai đoạn 2016-2020 huyện mới chỉ tập trung phát triển rừng mà chưa huy đọng được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện; thu nhập của người làm nghề rừng còn thấp, chưa ổn định. Hoạt động đầu tư thâm canh sản xuất lâm nghiệp mới được đầu tư ít, hoạt động sản xuất sản phầm lâm nghiệp hữu cơ chưa được quan tâm phát triển, chưa xác định được cây trồng chủ lực đối với địa phương. Công tác giao đất, giao rừng triển khai chậm do tỉnh không bố trí kinh phí tổ chức thực hiện. Thời tiết có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, trên địa bàn xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển đối với diện tích rừng trồng mới. Công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng... đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý còn gặp khó khăn, bất cập do Ban quản lý rừng phòng hộ Bảo Thắng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hoạt động chế biến lâm sản chưa được đầu tư công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ-TU của Ban thường vụ tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 cũng như thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp bền vững, người dân làm giàu bằng nghề rừng. UBND huyện Bảo Thắng cụ thể hóa bằng việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2021-2025 với một số nội dung chính: Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 tối thiểu đạt 57%; Tiếp tục quản lý, bảo vệ chặt chẽ 11.000 ha rừng tự nhiên hiện có để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, Xóa bỏ 100% diện tích Sa Nhân dưới tán rừng tự nhiên. Từng bước giảm dần diện tích thảo quả trong rừng tự nhiên, phấn đấu đến hết năm 2025 xóa bỏ diện tích thảo quả trong rừng tự nhiên; Hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo đúng phương án đã được phê duyệt với tổng diện tích trên 5000 ha. Tập trung phát triển trồng rừng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tập trung và duy trì ổn định vùng nguyên liệu 24.000 ha rừng trồng; chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp hiện có trên địa bàn. Phát triển giống cây trồng chất lượng cao, cây giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Tích cực hỗ trợ hoạt động các tổ, nhóm sở thích trồng rừng đã thành lập tại các xã Sơn Hà, Sơn Hải, Phú Nhuận và thị trấn Phong Hải từ đó liên kết hình thành hợp tác xã; Duy trì, hỗ trợ phát triển hợp tác xã Tâm Hợi làm kiểu mẫu; xây dựng chứng chỉ Organic, chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); Phấn đấu tăng giá trị thu nhập từ diện tích rừng trồng sản xuất hàng hóa tập trung từ 35 triệu đồng/ha/năm (năm 2021) lên 40 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025. Thực hiện phục hồi rừng tự nhiên bằng các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng và làm giàu rừng, đến năm 2025, khoanh nuôi tái sinh rừng chuyển tiếp 50 ha, trồng cây phân tán 726.000 cây (trung bình mỗi năm 181.500 cây). Trồng lại rừng sau khai thác 3.000ha (trung bình mỗi năm 750ha). Cơ giới hóa trồng rừng tập trung đạt trên 30% tại khu vực vùng thấp. Phấn đấu ít nhất 80% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận; phấn đấu có ít nhất 20% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng chỉ hữu cơ vào năm 2025, chủ yếu là diện tích rừng Quế.

Hỗ trợ phát triển Quế hữu cơ và chế biến sản phẩm Quế đối với HTX Tâm Hợi

Hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính; gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Giai đoạn 2022 - 2025, tiếp tục mở rộng thêm 3.000 ha quế, nâng tổng diện tích trên địa bàn huyện đạt trên 10.000 ha. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính. Đến năm 2025, có trên 5% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ (Organic) hoặc các chứng chỉ về chất lượng tương đương. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm lâm sản, trong đó tập trung hỗ trợ sản phẩm Quế ống sáo đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của Hợp tác xã Tâm Hợi.

Kiểm tra nguồn gốc, chất lượng giống đối với các vườn ươm trên địa bàn huyện

Để đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra, UBND huyện Bảo Thắng đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở: xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế đồi rừng là trọng tâm trong xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó tập trung lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tổ chức thực hiện và nghiêm túc kiểm tra giám sát quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch; thường xuyên có báo cáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nếu có, để đạt được các mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Về cơ chế, chính sách: Tập trung giải quyết vấn đề về đất đai để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, huy động nguồn vốn, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, xúc tiến thương mại. Triển khai hiện nghiêm, linh hoạt và đầy đủ các cơ chế, chính sách của Trung ương trong việc thúc đẩy phát triển lâm nghiệp. Đề xuất xây dựng chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp, khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu lâm sản; đầu tư, hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh phân tán phù hợp để thu hút các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia. Hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ, hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; duy trì hoạt động các tổ hợp tác, HTX lâm nghiệp và xây dựng cấp chứng chỉ rừng.

Về quy hoạch lâm nghiệp: Duy trì quy hoạch ba loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt, rà soát đề nghị điều chỉnh quy hoạch mới cho phù hợp theo hướng giảm quy hoạch phòng hộ tăng quy hoạch sản xuất. Triển khai thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch chung của tỉnh nhằm phát huy tối đa và khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương. Thực hiện quy chủ diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo phương án giao đất giao rừng đã được phê duyệt; Quy hoạch lại diện tích rừng cho Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý tiến tới đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về khoa học công nghệ: Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào việc sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp năng suất, chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh để đưa vào trồng rừng. Đầu tư công nghệ chế biến nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các khâu từ trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến để nâng cao năng lực sản xuất và giá trị lâm sản trên một đơn vị canh tác. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Về huy động vốn: Huy động tối đa các nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, dịch vụ môi trường rừng và của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân vào đầu tư, phát triển sản xuất lâm nghiệp. Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường, tiến hành thu tiền tín chỉ các bon rừng tạo thành nguồn kinh phí ổn định để tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.

Về tuyên truyền thực hiện kế hoạch: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế đồi rừng; cũng như tăng cường sự lãnh đạo, vào cuộc, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã trong việc triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng tại địa phương. Xác định chính quyền địa phương là nhân tố then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đồi rừng. Giao Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng rừng tại những diện tích nương rãy không hiệu quả, hướng dẫn khai thác lâm sản một cách hợp lý... Đẩy mạnh việc trồng cây phân tán nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển các loại lâm sản ngoài gỗ (tre, măng, trẩu …) lâm sản dưới tán rừng (cây lấy lá dong lấy củ …) để tăng thêm thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông về định hướng tiêu dùng lâm sản; định hướng và kêu gọi đầu tư liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ lâm sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, khuyến cáo người dân sản xuất căn cứ vào nhu cầu thị trường để tránh tình trạng dư thừa. Đổi mới nội dung tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để đạt được hiệu quả, thay đổi tư duy, nhận thức; vận động các thành phần kinh tế tích cực đầu tư và tham gia vào bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, chế biến, xuất khẩu và thương mại lâm sản.

Về tổ chức sản xuất: Duy trì, phát huy hiệu quả các tổ nhóm sản xuất đã thành lập; thành lập mới các tổ, nhóm sản xuất theo từng mặt hàng sản phẩm theo nhu cầu của người dân từ đó tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - người dân trong sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp làm cơ sở cho việc xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm, các chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng. Phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, trách nhiệm cho Kiểm lâm địa bàn trong việc bám sát cơ sở: quản lý giống cây trồng; đôn đốc công tác trồng rừng; hát triển lâm sản ngoài gỗ, quản lý chất lượng rừng trồng, trồng cây xanh phân tán. Gắn trách nhiệm phát triển rừng với quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động, huy động người dân tham gia liên kết trồng rừng, sản xuất lâm nghiệp; Hướng dẫn, tuyên truyền người dân trồng rừng tạo ra các sản phẩm hữu cơ, có chứng chỉ FSC (FSC-FM, FSC-CoC, FSC-CW) để nâng cao giá trị sản phẩm./.

Bùi Văn Định- Hạt Kiểm lâm Bảo Thắng

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập