Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang phát sinh một số sâu bệnh hại trên cây Quế gây ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển và năng suất diện tích Quế của người dân. Một số khu vực bắt đầu có hiện tượng cây Quế chết theo vùng.
Ảnh: Diện tích quế bị chết do sâu hại
Ảnh: Sâu đo gây hại (Culcula panterinaria Brenmer et Grey)
Thành phần sâu hại Quế rất đa dạng, gồm có 14 loài ở 13 họ thuộc 4 bộ khác nhau, gồm: 4 loài sâu ăn lá, 03 loài sâu đục thân, 03 loài sâu chích hút, 01 loài sâu đục sùi vỏ và 02 loài sâu hại rễ. Trong các loài sâu hại có mức độ nguy hiểm là bọ trĩ, sâu róm xanh, sâu đục thân cành, sâu đo ăn lá và bọ xít nâu sẫm...
Để phát hiện sớm và đưa ra các biện pháp phòng trừ phù hợp, bài viết đưa ra khuyến cáo cách nhận biết một số loài sâu hại trên Quế và biện pháp phòng chống, cụ thể như sau:
* Cách nhận biết:
a) Bọ trĩ (Selenothrips rubrocinctus): gây hại trong suốt thời gian gieo ươm cây con ở vườn ươm và rừng trồng. Thời gian gây hại mạnh nhất vào tháng 7, tháng 8 khi thời tiết ấm nóng và khô. Thường rất khó để phát hiện khi chúng mới tấn công, gây hại cây trồng. Biểu hiện khi cây trồng bị Bọ trĩ chích lá, lá non bị biến dạng, xoăn lại.
b) Sâu róm xanh (Cricula vietnama): gây hại cả giai đoạn vườn ươm và rừng trồng Quế. Sâu non một năm xuất hiện 4 lứa từ tháng 2 đến tháng 10. Bướm có tính xu quang mạnh, thường bay vào đèn vào buổi tối. Sâu Róm Quế phân bố rộng ở vùng Đông Nam Châu Á. Loài này ăn lá Quế, Keo, Trẩu, Cao su, Tếch...
c) Rệp: Có rất nhiều loại Rệp sáp, Rệp nâu ... phá hoại, Rệp thường phát sinh vào mùa hè hại cả ở giai đoạn vườn ươm và rừng trồng, chúng phá hoại các cành lá non của Quế. Nếu lá có rệp thì sẽ biến thành màu vàng hoặc cuộn cong lại rồi héo úa.
d) Sâu đục thân cành (Arbela baibarama Mats): Sâu đục thân cành thường xuất hiện ở Quế từ 6 tuổi trở lên (cấp tuổi II). Sâu trưởng thành xuất hiện từ tháng từ 6 - 7. Sâu hại chủ yếu tập trung phá hại ở những khu vực chân đồi rừng Quế.
đ) Sâu đo ăn lá Quế (Culcula Panterinaria Bremen et Grey): xuất hiện và phá hoại ở hầu hết các vùng trồng Quế ở nước ta như: Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Sâu đo ăn trụi lá Quế trông như cây chết. Sâu hại làm giảm sinh trưởng của rừng Quế và làm cây suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho những loài sâu hại thứ cấp xâm nhập, phá hoại. Loài sâu Đo ăn lá Quế chỉ tập trung chủ yếu ở sườn đồi và chân đồi. Sâu đo ăn lá Quế có tính xu quang mạnh ở pha trưởng thành.
e) Bọ xít nâu sẫm (Pseudodoniells chinensis Zheng): xuất hiện ở các vùng trồng Quế ở nước ta. Đặc biệt tập trung nhiều ở vùng Quế Yên Bái, Quảng Ninh... Bọ xít thường chích trên cành non và chồi, sau từ 1 - 2 tuần các vết chích cùng chuyển sang màu đen, khô dần, nứt ra, có thể khô héo và chết.
g) Sâu cuốn lá: xuất hiện và phá hoại ở hầu hết các vùng trồng Quế ở nước ta cả ở vườn ươm và rừng trồng như: Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi...
h) Ngoài ra còn nhiều sâu hại khác như sâu xám, sâu khoang, vòi voi hại ngọn, sâu Graphium ăn lá, sâu Chilasa ăn lá, Bọ xít đen hại thân, Bọ xít muỗi hại lá, Bọ xít hại cành non, Bọ xít đen chân nâu,....
* Biện pháp phòng chống
a) Biện pháp lâm sinh
- Ở giai đoạn vườn ươm: ngắt bỏ những lá đã bị hại và tiêu hủy. Đảo bầu, phân loại và xếp dãn cách bầu cây để làm thông thoáng mật độ.
- Ở giai đoạn rừng trồng: Trồng Quế với mật độ hợp lý, phát dọn thực bì thường xuyên. Cuốc xung quanh gốc cây vào mùa xuân để bắt nhộng hại sâu Đục thân và tháng 1 và tháng 8 để bắt nhộng sâu Đo ăn lá Quế.
b) Biện pháp vật lý và thuốc BVTV ở bảng sau:
Loại sâu
|
Biện pháp vật lý
|
Biện pháp hóa học
|
Bọ trĩ
|
Đặt các bẫy dính màu vàng, bẫy dính màu xanh để thu hút Bọ trĩ đậu vào ở giai đoạn vườn ươm
|
Luân phiên các loại thuốc thuốc trừ sâu sinh học có thành phần Azadirachtin 0,3% hoặc thuốc có hoạt chất như: Spinetoram, Imidacloprid, Carbosulfan phun vào lúc cây ra lộc non.
|
Sâu Róm
|
Sử dụng bẫy đèn với ánh sáng màu tím để bẫy bướm ở pha trưởng thành.
|
Sử dụng các chế phẩm sinh học Delfin 32WG (vi khuẩn Bacillus thuringiensis) và Bitadin WP(vi khuẩn Bacillus thurigiensis và Granulosis virut)
|
Rệp
|
Dùng các loại dung dịch thuốc lá + xà phòng + bột hoa cúc
|
Dùng thuốc có các hoạt chất như: Profenofos Cypermethrin + Profenofos hoặc Imidacloprid; Spirotetramat; Dinotefuran Abamectin
|
Sâu xám sâu khoang
|
Dùng bẫy chua ngọt trừ Ngài
|
Sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc có hoạt chất như Matrine, Polyphenol (chiết xuất từ Bồ kết, Hy thiêm, Đơn buốt, Cúc liên chi dại); Abamectin...
|
Sâu đục thân
|
Dùng đèn để bẫy bướm
|
Dùng thuốc BVTV có hoạt chất Fipronil, Cartap để diệt sâu non ở tuổi 1 và tuổi 2.
|
Sâu đo ăn lá
|
Dùng bẫy đèn có tia UV để bẫy bướm; đối với dạng nhộng thường xuyên thực hiện xới đất, rắc vôi hoặc thuốc bvtv có thành phần sinh học để tiêu diệt
|
Dùng chế phẩm sinh học có hoạt chất Bacillus thuringiensis. Nếu diện tích nhiễm sâu với mật độ cao dùng thuốc BVTV có hoạt chất Alpha - Cypermethrin để phun trừ.
|
Bọ xít
|
Bắt giết bọ xít khi mới nở còn sống tập trung, ngắt các ổ trứng Bọ xít
|
Phun thuốc BVTV có hoạt chất Abamectin để phun trừ.
|
Sâu ăn lá
|
Dùng bẫy đèn bẫy bướm
|
Sử dụng chế phẩm tự nhiên để phun trừ các loại sâu hại từ gừng, tỏi, giềng, đường đỏ. hoặc thuốc hoạt chất Abamectin phun theo hướng dẫn sử dụng....
|