Lào Cai 27° - 30°
Các giải pháp để nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng Sản phẩm, có đầy đủ chứng nhận sản phẩm an toàn rõ nguồn gốc, xuất xứ vùng trồng đáp ứng đầy đủ các các yêu cầu của thị trường nhập khẩu nông sản

Nhằm tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ theo nhu cầu của thị trường (tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc…) để phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

anh tin bai

Ảnh sưu tầm 

Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã có bước phát triển rõ nét. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản). Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đều tăng qua các năm, riêng giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực đạt hơn 50% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; Song bên cạnh đó có thể nhận thấy, các vùng sản xuất quy mô còn nhỏ, sản lượng chưa nhiều, mẫu mã, chất lượng chưa đồng đều, thiếu ổn định. Áp dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp diễn ra chậm; kỹ thuật, kinh nghiệm, tác phong lao động của nông dân chưa cập nhật được với nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa; sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sạch chiếm tỷ lệ thấp. Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, một số sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc (chuối, tinh dầu quế, chế biến lâm sản...). Công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, ít sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị nông sản thấp. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực làm đầu tàu dẫn dắt chuỗi giá trị theo định hướng tiêu chuẩn chất lượng của thị trường…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời đề xuất các giải pháp để nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, có đầy đủ chứng nhận sản phẩm an toàn rõ nguồn gốc, xuất xứ vùng trồng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường nhập khẩu nông sản. Sở Nông nghiệp và PTNT với vai trò là Thường trực BCĐ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Lào Cai theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của BTV Tỉnh ủy Lào Cai triển khai các giải pháp cụ thể như:

1. Chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát các quy định về cơ chế chính sách thu hút khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, tập trung vào những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh như chè, chuối, dứa, dược liệu, rau quả, cá nước lạnh... để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Tham mưu tổ chức thực hiện và lồng ghép có hiệu quả nguồn lực 03 Chương trình MTQG để hỗ trợ hình thành, phát triển các vùng sản xuất sản phẩm nông sản chủ lực và các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

2. Tăng cường công tác tham mưu, tập trung hỗ trợ, tư vấn các liên kết phát triển bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời đảm bảo nông sản được kiểm soát chặt chẽ từ vật tư đầu vào và quy trình sản xuất, tạo vùng nguyên liệu có chất lượng, an toàn phục vụ chế biến; Hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để phù hợp với yêu cầu thực tiễn sản xuất, nhất là các HTX gắn với các vùng nguyên liệu chủ lực; Tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực cho thành viên THT, HTX về quản trị, kỹ thuật, maketing theo hướng sản xuất hàng hoá.

3. Tăng cường công tác tham mưu, mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời luôn đồng hành cùng với các nhà đầu tư/chủ dự án nắm bắt tiến độ triển khai, khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời giải quyết khó khăn trong thẩm quyền được giao. Các vấn đề vượt thẩm quyền sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan cùng tháo gỡ hoặc tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

4. Chủ trì phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đơn vị trực thuộc Sở tham mưu các nội dung liên quan đến phát triển vùng nguyên liệu các loại cây trồng chủ lực (chè, chuối, dứa, dược liệu) theo các tiêu chuẩn tiên tiến (Viet GAP, hữu cơ…). Hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, TCVN về sản xuất các sản phẩm các cây trồng chủ lực của tỉnh, nhằm cung cấp nguyên liệu đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến, giúp đa dạng hóa chủng loại, gia tăng giá trị sản phẩm trên thị trường. Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn; chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu, hướng dẫn tổ chức sản xuất hàng hóa phù hợp quy định về tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

5. Chủ trì, phối hợp với các địa phương tham mưu xây dựng, phát triển các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAHP hoặc tiêu chuẩn quốc tế gắn với việc xây dựng các cơ sở giết mổ để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất ổn định. Tổ chức phối hợp tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VIETGAHP, chăn nuôi hữu cơ, các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững đến người chăn nuôi.

6. Tham mưu phát triển các vùng trồng quế tập trung quy mô lớn sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gắn với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu có công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung tham mưu các giải pháp phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu chính.

7. Tăng cường sản xuất nông nghiệp hữu cơ các ngành hàng chủ lực của tỉnh đảm bảo mục tiêu Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 28/7/2022 của UBND tỉnh; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm hữu cơ. Chủ trì tham mưu xây dựng, tổ chức xác nhận các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận đảm bảo mục tiêu Đề án số 01-ĐA/TU giai đoạn 2020-2025.

8.Tăng cường kết nối, hợp tác với các cục, vụ, viện (Cục trồng trọt; Viện Khoa học Nông nghiệp...) nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao, chuyển đổi cơ cấu giống (cải tạo, thay thế giống cũ năng suất thấp bằng giống mới có năng suất, chất lượng phù hợp với chế biến và thị trường tiêu thụ);  Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thủ tục đăng ký bảo hộ và triển khai, áp dụng giống mới vào sản xuất; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, thu hoạch và bảo quản; Tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, HTX ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới, cải tiến công nghệ mới nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP, GMP, HACCP trong từng công đoạn trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, giết mổ, chế biến; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; xây dựng và nâng cấp cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin về thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật... nhằm hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng và kết nối tiêu thụ nông sản.

9.Thường xuyên cập nhật, thông tin các quy định về tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu, biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Văn phòng SPS Việt Nam đến các đơn vị, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về xu hướng, nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế đến các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; (ii) Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Công Thương tham mưu duy trì và nâng cao chất lượng của các hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; (iii) Hướng dẫn các doanh nghiệp/HTX cập nhật thông tin sản phẩm của cơ sở lên hệ thống phần mềm minh bạch thông tin, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc điện tử; Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Hệ thống thông tin quản lý chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận; để hỗ trợ người sản xuất, cung cấp quản bá, xúc tiến thương mại và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.

10. Rà soát cơ sở dữ liệu, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp theo xu thế phát triển chung trên toàn thế giới, nhằm liên kết, tích hợp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Nhiệm vụ quan trọng để chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xây dựng các cơ sở dữ liệu và hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp…

            

Phòng NVTH, Chi cục Quản lý chất lượng NLS và TS. T.h
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập