Lào Cai 28° - 31°
Một số giải pháp xây dựng chi bộ “trong sạch - vững mạnh” tại đơn vị công tác

Chi bộ là nhân tố chính trị lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng, chi bộ trong sạch, vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng; ngược lại nếu chi bộ không trong sạch, vững mạnh thì công tác Đảng yếu kém, mọi công việc không hoàn thành.

Do đó, việc xây dựng chi bộ “trong sạch, vững mạnh” giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, quan trọng và để làm tốt tại đơn vị công tác, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phải triệt để thực hành dân chủ, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình: Chi bộ là hạt nhân chính trị ở cơ sở, vì vậy, để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh phải thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ; kiên quyết đấu tranh khắc phục bệnh quan liêu, độc đoán, dân chủ hình thức cũng như mọi biểu hiện vô tổ chức, vô kỷ luật. Do đó, chi bộ cần phải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trong việc xây dựng chi bộ.

anh tin bai

Ảnh: Sinh hoạt chuyên đề tại Chi bộ 3, Đảng bộ bộ phận Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai

Thứ hai, xây dựng đội ngũ đảng viên trong sạch vững mạnh: Sự vững mạnh của đội ngũ đảng viên ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch, vững mạnh của chi bộ. Vì vậy, xây dựng đội ngũ đảng viên ở chi bộ cần chú trọng cả số lượng và chất lượng, trong đó lấy chất lượng làm chính, bản thân mỗi đảng viên phải tự phấn đấu, rèn luyện để nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, cần không ngừng kiện toàn đội ngũ cấp ủy, chi bộ để xây dựng, củng cố chi bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Sinh hoạt chi bộ được duy trì đều đặn, thường xuyên có chất lượng có vị trí quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần thường xuyên cải tiến và đổi mới nội dung sinh hoạt. Có thể phân loại hình thức sinh hoạt chi bộ các vấn đề như: sinh hoạt chính trị: bàn và ra các nghị quyết, quyết định lãnh đạo; sinh hoạt học tập: nghiên cứu, quán triệt, thảo luận các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghe thông tin, thời sự trong nước và quốc tế; sinh hoạt tự phê bình và phê bình.

Thứ tư, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng chi bộ, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực: Thông qua kiểm tra, giám sát sẽ quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm về tư cách, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Mọi đảng viên phải được đặt trong phạm vi kiểm tra, giám sát của chi bộ. Việc kiểm tra phải có hệ thống, kịp thời, khách quan, công minh, chính xác, sâu sát. Như vậy, công tác xây dựng chi bộ mới có hiệu quả, các cấp ủy, chi bộ mới bảo đảm được vai trò lãnh đạo của mình, hoàn thành trọng trách theo quy định của Điều lệ Đảng.

Thứ năm, tăng cường tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng đảng viên gương mẫu, chi bộ vững mạnh: Chi bộ cần xây dựng, lập kế hoạch tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng đảng viên gương mẫu, quán triệt đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với một đảng viên gương mẫu để các đảng viên trong chi bộ học tập và noi theo./.

Hà Thúy Quỳnh – Chi cục Kiểm lâm
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập