Lào Cai 23° - 26°
Tăng cường biện pháp phòng chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm

Thời tiết nắng nóng là một trong những yếu tố bất lợi trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung, mật độ cao, gia súc thường ăn, ngủ kém, ốm yếu, mất cân bằng chất điện giải, rối loạn quá trình trao đổi chất dễ dẫn đến stress làm cho sức đề kháng của vật nuôi bị suy giảm mạnh, đây là yếu tố thuận lợi để các loại dịch bệnh như: Tiêu chảy, Ecoli, phó thương hàn, viêm phổi, dịch tả, tụ huyết trùng, cầu trùng…dễ phát sinh lây lan gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Ngoài các bệnh truyền nhiễm trên còn có một số các bệnh khác như bệnh cảm nắng, cảm nóng do chăn thả, hoặc nuôi nhốt mật độ quá đông làm nhiệt độ ở vùng đầu tăng cao. Não và màng não sung huyết gây tổn hại đến đến tế bào thần kinh, từ đó gây ảnh hưởng đến trung khu tuần hoàn, hô hấp và điều hòa thân nhiệt làm cho con vật chết rất nhanh. Để hạn chế những ảnh hưởng xấu của nhiệt độ cao người chăn nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

anh tin bai

Máng ăn, máng uống, nền  chuồng sạch sẽ, khô ráo

1. Chuồng trại:

Chuồng trại phải thoáng mát, làm chuồng theo hướng Đông Nam, mái chuồng nên lợp ngói hoặc lá cọ, có hố chứa phân (để giảm sức nóng do phân bốc lên), nền chuồng luôn luôn sạch sẽ, có phên che nắng nóng xung quanh, vào những thời điểm nhiệt độ cao trong ngày, cần phun nước lên mái chuồng nhằm giảm bớt nhiệt trong chuồng nuôi. Nếu có điều kiện có thể lắp đặt hệ thống quạt, hệ thống thông gió.

Hàng ngày phải quét dọn sạch sẽ chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng, đảm bảo nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác; thu gom phân, rác thải, đánh đống, ủ vôi, có thể dùng chế phẩm sinh học để xử lý phân chuồng và làm sạch môi trường chăn nuôi, không thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.

Trồng nhiều cây xanh, che chắn xung quanh để tạo nhiều bóngmát.

2. Mật độ nuôi: Vào mùa hè cần giảm mật độ nuôi so với mật độ khuyến cáo thông thường, nhất là gia súc, gia cầm nuôi nhốt. Một số mật độ thường áp dụng trong chăn nuôi vào mùa hè. Đối với trâu 4 - 5m2/con; dê 1,8 - 2 m2/ con,  bò thịt 4 - 5 m2/con, lợn nái 3- 4 m2/con, lợn thịt 2 m2/con, gà con nuôi úm 50-60 con/m2, gà thịt 10-15 con/m2, gà trống, gà đẻ 3-5 con/m2.

3. Chế độ chăm sóc phòng bệnh cho gia súc, gia cầm: Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ chuồng nuôi thường cao, gia súc, gia cầm phải chống chịu với những điều kiện bất lợi. Vì vậy bà con cần chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm được tốt bằng những cách sau:

Tăng khẩu phần thức ăn xanh như: rau, cỏ tươi, củ, quả và bổ sung các loại vitamin…;  Tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm bớt thức ăn tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần.

Những ngày nắng nóng cho uống đủ nước, bổ sung vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no, từ 30-35 kg thức ăn thô xanh, 0,5-1kg thức ăn tinh, 20-30g muối ăn để đảm bảo sức khoẻ, tăng khả năng chống nóng, chống bệnh.

Những ngày nắng nóng kéo dài, thực hiện chế độ ăn bằng cách: cho ăn  thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, hạn chế cho ăn lúc buổi trưa trời nắng nóng.

Thường xuyên cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho gia súc, gia cầm uống, trong những ngày nắng nóng cần bổ sung vào nước một ít muối với nồng độ 1% (10 gam muối/1 lít nước).

Mùa nắng nóng nên tắm trải cho gia gúc 1 - 2 lần/ngày để làm giảm nhiệt cơ thể và định kỳ vệ sinh thân thể phòng chống các bệnh ngoài da. Đối với những vật nuôi sơ sinh hay đang còn theo mẹ cần giữ ấm, khô ráo, tuyệt đối không được làm ẩm ướt nền, chuồng. Đối với gia cầm cần hạn chế gây xáo trộn đàn trong thời gian nắng nóng.

Thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại (có thể sử dụng Benkocid, Virkon, BKA… phun định kỳ 1 lần/tuần), vệ sinh các dụng cụ dùng trong chăn nuôi, thay lớp độn chuồng định kỳ, khai thông cống rãnh, dọn dẹp phân rác, chất thải,  thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ của đàn gia súc, gia cầm để sớm phát hiện bệnh có biện pháp xử lý và điều trị kịp thời

4.Một số bệnh thường gặp trong mùa nóng và cách điều trị

4.1. Hội chứng ỉa chảy

* Triệu chứng: Gia súc ăn ít hoặc bỏ ăn, uống nhiều nước, ỉa lỏng, ban đầu phân chỉ là dịch màu xám xanh, xám vàng có mùi tanh, gia súc bệnh bị mất nước nhanh, da nhăn nheo. Trường hợp bệnh do ký sinh trùng làm tổn thương thành ruột gây xuất huyết và nhiễm khuẩn kế phát, gia súc đi ngoài phân nhày có lẫn máu và niêm mạc.

* Điều trị

-  Kiểm tra chất lượng thức ăn, nước uống cho gia súc trước khi cho ăn. Cách ly con vật bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Cho uống dung dịch điện giải 1g/4 lít nước để bù nước và cân bằng chất điện giải. Nếu tiêu chảy nặng cần truyền nước sinh lý để chống mất nước. Dùng một trong các loại kháng sinh chống nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như Oxytracyclin, colistin, kanamycin… tiêm cho gia súc với liệu trình từ 5- 7 ngày với liều lượng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Nếu tiêu chảy lẫn máu cần tiêm vitamin K với liều 1ml/20kg trọng lượng để cầm máu.

- Trường hợp ở bê, nghé nếu điều trị bằng kháng sinh không có hiệu quả cần lưu ý đến các nguyên nhân gây ỉa chảy do ký sinh trùng như giun đũa hay cầu trùng với triệu chứng nhận biết và cách điều trị như sau:

+ Ỉa chảy do giun đũa: Gia súc non có biểu hiện bụng căng, lông dựng, nằm im một chỗ, ban đầu đi ỉa phân lổn nhổn, phân từ màu đen, chuyển sang màu vàng xám sền sệt sau đó ngả màu trắng như xi măng lỏng, mùi tanh khẳm. Điều trị bằng bằng cách cho uống hoặc tiêm các loại thuốc trị ký sinh trùng như: Piperazin, Tetramisol, menbendazon, Hanmectin theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.

+ Ỉa chảy do cầu trùng: Triệu chứng ỉa chảy, con vật cong lưng rặn nhưng phân ra ít, phân lẫn máu và có dịch nhày phủ bề mặt. Điều trị bằng một trong số các loại thuốc sau: CocizetNitrofuran,phenolthiazin, sulfamerazin, sulfadimerazin với liều lượng và cách dùng ghi trên nhãn thuốc.

4.2. Bệnh cảm nắng

* Triệu chứng: Con vật có biểu hiện choáng váng, đi đứng xiêu vẹo, niêm mạc mắt tím bầm, có khi vã mồ hôi, nuốt khó; sau đó do viêm não và viêm màng não con vật phát điên cuồng, sợ hãi, mắt đỏ ngầu, lồi ra ngoài, mạch đập nhanh và yếu. Bệnh nặng gia súc đi không vững nhiều con không đứng được; nhiệt độ cơ thể lên tới 40 - 410C, da khô, đồng tử mắt lúc đầu mở rộng, sau thu hẹp lại cuối cùng mất phản xạ thần kinh và phản xạ toàn thân, con vật run rẩy, co giật rồi chết.

* Điều trị: Đưa ngay con vật vào chỗ râm mát, thoáng khí; chườm nước đá hay nước lạnh lên vùng đầu, sau đó dội nước lạnh toàn thân có thể thụt nước lạnh vào trực tràng để làm giảm nhiệt độ cơ thể. Tăng cường tuần hoàn và hô hấp cho cơ thể có thể dùng cafein natribenzoat 20% (2- 4g) tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch; Trường hợp não bị xung huyết nặng thì phải chích máu ở tĩnh mạch cổ; Cho uống hoặc tiêm các loại thuốc có tác dụng giảm thân nhiệt như pyrami - don, phenacetamon, anagin; xoa bóp toàn thân cho máu lưu thông để chống xung huyết não và tiêm trợ lực cho gia súc bằng dung dịch glucoza 20 đến 40% vào tĩnh mạch./.

Nguyễn Duy Tân




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập