Lào Cai 26° - 28°
Dự báo tình hình dịch bệnh quý III năm 2019

Quý III là thời điểm thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi như: nền nhiệt độ luôn ở mức cao với các đợt nắng nóng kéo dài, mưa lũ, ẩm độ môi trường cao tác động làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, cùng với đó là việc người chăn nuôi mua bán, vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Dại chó…đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau:

- Tăng cường công tác vệ sinh thú y, đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát; khơi thông cống thoát nước, tránh phân và nước thải đọng, hạn chế phát sinh ruồi muỗi và sinh vật gây bệnh. Đặc biệt chú trọng khâu tiêu độc, khử trùng nơi cho ăn, chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi.

- Chăm sóc nuôi dưỡng: Áp dụng tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học, mật độ chăn nuôi phù hợp, sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, tăng cường khẩu phần ăn đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, thức ăn dự trữ bảo quản tránh ẩm mốc, mọt, dùng thêm các chất bổ trợ nhằm tằng cường, nâng cao sức đề kháng.

+ Đối với gia cầm, cho ăn những thực phẩm giàu chất béo, hạn chế tinh bột để giảm sinh nhiệt, bổ sung thêm can xi cho gia cầm đẻ trứng. Định kỳ bổ sung các loại vitamin và các chất điện giải như: Bcomlex, Vitamin C, vitamin tổng hợp bằng cách pha vào nước uống.

            + Đối với trâu bò, tăng cường thức ăn xanh như rau cỏ tươi, 15 - 35 kg/con/ngày, thức ăn thô xanh ủ chua, ủ urê với lượng 3 - 5 kg/con/ngày, bổ sung thức ăn tinh 1 - 2,5 kg/con/ngày. Không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt, chỉ nên chăn thả vào lúc 6 - 9 giờ và 16 - 18 giờ. Đặc biệt không nên cho gia súc làm việc quá lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

            + Đối với lợn, tắm 1 - 2 lần/ngày, không tắm cho lợn trong khoảng thời gian 11 - 14 giờ trong ngày. Bổ sung thêm muối ăn vào nước uống cho lợn với lượng 1 - 3g/10 kg lợn/ngày, đường glucoze 5 - 10 g/10 kg lợn/ngày hoặc Vitamin C, Bcomplex.

- Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y hoặc nhà sản xuất. Chú ý quan sát, phát hiện những biểu hiện bất thường để kịp thời cách ly cho vật nuôi bị ốm và có phương pháp điều trị. 

- Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 9/9 huyện, thành phố làm cho 5.144 con lợn ốm chết và cùng đàn phải tiêu hủy làm thiệt hại rất lớn đến kinh tế của người chăn nuôi cũng như sự phát triển của ngành chăn nuôi. Nguyên nhân do người dân mua bán, vận chuyển, sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, mua cám từ hộ đã bị dịch về sử dụng, người chăn nuôi không thực hiện các biện pháp an toàn sinh học làm lây lan phát sinh dịch bệnh.

Đây là bệnh do vi rút gây ra, có tỉ lệ chết cao, hiện nay chưa có vắc xin và thuốc để điều trị đặc hiệu cho lợn nhiễm bệnh. Dự báo trong thời gian tới, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi sẽ có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, để giảm bớt sự lây lan dịch bệnh cũng như thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường thực hiện vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất… hạn chế vận chuyển lợn làm lây lan dịch bệnh, tạm thời dừng việc tái đàn lợn trong thời gian này.

Người chăn nuôi hàng ngày quan sát, kiểm tra đàn vật nuôi khi thấy có hiện tượng bất thường, gia súc ốm, chết cần báo ngay cho trưởng thôn, thú y viên, UBND xã, phường hoặc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện/thành phố. Không bán chạy, không vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan, phát tán mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường./.

Nguyễn Công Tĩnh-Chi cục Chăn nuôi và Thú y

 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập