Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân không chỉ thực hiện sự chuyên môn hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản, góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiện đại, công nghệ cao mà còn là “chìa khóa” trong xuất khẩu hàng nông sản Lào Cai, mở ra cho hàng nông sản Lào Cai nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường trong và ngoài nước
Khuyến nông Lào Cai là đơn vị luôn tiên phong trong đổi mới cách tiếp cận đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nâng cao năng lực tổ chức quản lý sản xuất cho các doanh nghiệp, HTX, THT … theo chuỗi giá trị. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy cao nội lực của ngành, của nông dân, doanh nghiệp, đặc biệt đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực, huy động nguồn lực xã hội, các tổ chức nước ngoài. Từ năm 2018 -2022, Trung tâm Khuyến nông và DVNN đã phối hợp với đơn vị liên quan tư vấn, thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác Chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh dựa vào quản lý cộng đồng, Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh quế, đồng thời hỗ trợ thúc đấy các HTX, nhóm cộng đồng như: HTX Nông nghiệp và DV Cầu Mây, HTX Chè Bản Xen, HTX Chè Bản Liền, HTX Chè Hướng Tâm Mường Hum, HTX Thịnh Phong, … tham gia chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2023.
Trung tâm Khuyến nông và DVNN hỗ trợ xây dựng bao bì sản phẩm, tam, nhãn mác sản phẩm mật ong núi đá
Việc triển khai thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông luôn gắn với việc tư vấn hỗ trợ các địa phương thành lập các Tổ hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Trong đó phải kể đến HTX quế hữu cơ Nậm Đét, Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông nghiệp xã Tả Phời; trên 50 Tổ hợp tác Chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh dựa vào quản lý cộng đồng, trên 60 Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh quế, dược liệu, chè.... Tư vấn nâng cao năng lực điều hành, quản lý Tổ hợp tác, Nhóm cộng động, Nhóm liên kết, Nhóm sở thích. Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, khả năng nắm bắt thu thập thông tin, hỗ trợ cộng đồng cho HTX và các xã viên HTX, thúc đẩy HTX, Tổ hợp tác các nhóm cộng đồng hoạt động hiệu quả, bền vững.
Tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm Organic; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thông qua khóa học, các hộ cam kết không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, tuân thủ sử dụng thuốc BVTV thuộc danh mục được phép lưu hành sử dụng, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, … các xã viên, nhóm hộ, người sản xuất thảo luận và thống nhất cao trong việc chủ động quản lý vùng trồng, vùng nguyên liệu theo hướng an toàn, tổ chức giám sát giữa các hộ trồng, duy trì và mở rộng diện tích sản xuất theo hướng an toàn, hướng tới mục tiêu lâu dài đạt chuẩn Organic.
Một số sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông và DVNN hỗ trợ thương mại hóa
Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử,livestream bán hàng online..., kỹ năng thương mại hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, kỹ năng quảng bá, giới thiệu thu hút khách hàng. Kết quả đến nay sản phẩm chuối, dứa, chè .. đã có mặt tại các siêu thị, sản phẩm dứa HTX Thịnh phong đã có mặt trên 1 số sàn thương mại điện tử (như Voso, facebook, Zalo, VinMart, Hội trồng dứa, trang Chợ đầu mối nông sản toàn quốc, nhóm buôn bán dứa Bắc Trung Nam ...). CácHTX, Nhóm hộ và các đơn vị dịch vụ kết nối lập nhóm Zalo như: “Dứa sạch Bản Lầu” “Lợn đen bản địa” “Chè Mường Hum”... để cập nhật thông tin hoạt động của HTX, Tổ nhóm chia sẻ các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, tham vấn chính sách, khoa học kỹ thuật, giá cả vật tư, dịch bệnh, thị trường, … đến nay nhóm Zalo vẫn duy trì hoạt động tốt, khóa học rất thiết thực và học viên rất hài lòng.Tư vấn xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, hợp đồng liên kết, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh…
Xây dựng mô hình sản xuất mô hình thực hành tổ chức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, như: Mô hình cải tiến tổ chức quản lý sản xuất quế hữu cơ bền vững theo chuỗi giá trị; Mô mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng; Mô hình nâng cao chất lượng, giá trị thu nhập sản phẩm mật ong và phát triển bền vững nghề nuôi ong mật; mô hình trồng thâm canh lạc địa phương theo hướng VietGAP; Mô hình gắn với sản phẩm OCOP; Mô hình chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ về sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản..... Giá trị sản phẩm/01ha đất canh tác bình quân đạt trên 100-200 triệu đồng, thu nhập của các hộ tham gia mô hình tăng 15-25% so với sản xuất đại trà, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo ổn định an sinh xã hộicho đồng bào dân tộc vùng cao, miền núi.
Hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm (thiết kế logo, tem, nhãn, bao bì sản phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng, bảo hộ thương hiệu, bảo hộ kiểu dáng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số vùng trồng...)Thông qua hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm người tiêu dùng có thể nhận diện nguồn gốc, an tâm khi sử dụng, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, đồng thời nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, quảng bá, phát triển nhãn hiệu sản phẩm của người sản xuất, đến nay đã có những sản phẩm như: Mật Ong Núi Đá được chứng nhận OCOP 3 Sao, hiện nay Tổ hợp tác đã phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm khác từ mật ong; Tinh dầu quế Hữu cơ Nậm Đét được chứng nhận OCOP 3 Sao, hiện HTX mở rộng quy mô sản phẩm; Lạc đỏ xã Hoàng Thu Phố được chứng nhận OCOP cấp huyện, sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến về chất lượng sản phẩm; Quả dứa tươi HTX Thịnh Phong được chứng nhận OCOP 3 Sao và Hợp tác xã Thịnh Phong cung ứng dứa Mường Khương được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận vào hệ thống siêu thị Winmart với sản lượng khoảng 185 tấn, giá trị đạt 880 triệu đồng..
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nông nghiệp Lào Cai có nhiều cơ hội phát triển, có nhiều bứt phá nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, nhiệm vụ của khuyến nông là tiếp tục thúc đấy các hoạt động liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, kết hợp nâng cao năng lực tư duy sản xuất kinh doanh cho Hợp tác xã, các Nhóm cộng động là cách tiếp cận, can thiệp tốt nhất và hiệu quả nhất để đem đến lợi ích và sự ổn định cho người sản xuất, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị./.
Thanh Hương