Lào Cai 28° - 29°
Tập trung phòng trừ sâu đo hại quế

Quế đang là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của người nông dân tỉnh Lào Cai. Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng, mưa xem kẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, gây hại trên cây lâm nghiệp, đặc biệt là cây quế. Hiện nay, sâu đo đã phát sinh hại tại một số vùng trồng quế như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn… sâu đo đã gây hại mạnh nhất trên cây quế 3 - 5 năm tuổi, mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, cục bộ 200con/cây. 

anh tin bai

Sâu đo đã gây hại trên cây quế với mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, cục bộ 200/cây, tại xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà 

Để phòng, chống và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do các đối tượng dịch hại gây ra, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp phòng trừ sâu đo ăn lá quế như sau:

1. Triệu chứng gây hại

Sâu đo ăn trụi lá quế, để lại gân chính của lá, hiện tượng như cây bị chết. Sâu hại làm cây suy giảm sinh trưởng, phát triển của cây quế và tạo điều kiện thuận lợi cho những loài sâu hại thứ cấp xâm nhập, gây hại. Sâu đo ăn lá quế tập trung chủ yếu ở sườn đồi, chân đồi. Nơi này có nguồn thức ăn dồi dào và khí hậu nóng ẩm thích nghi với điều kiện ngoại cảnh của loài sâu hại này.

anh tin bai

Sâu đo đã gây hại tại một số vùng trồng quế tại huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên

Sâu đo tuổi nhỏ (tuổi 1 - 2) hoạt động mạnh, nhả tơ di chuyển theo gió để gây hại. Sâu non trưởng thành hóa nhộng dưới đất. Sâu đo gây hại tập trung vào các tháng 3, 4 và 7, 8, 9 là thời kỳ cây quế ra lộc và sinh trưởng phát triển mạnh.

anh tin bai

Sâu đo ăn trụi lá quế, để lại gân chính của lá, hiện tượng như cây bị chết

2. Biện pháp phòng trừ

- Thường xuyên kiểm tra vườn rừng phát hiện sớm dịch hại và áp dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp phòng, trừ triệt để khi mật độ thấp, sâu tuổi nhỏ.

- Xới đất diệt nhộng quanh tán cây quế sâu 3 - 5cm vào tháng 1 và tháng 8 hằng năm.

- Biện pháp thủ công: Dùng biện pháp rung cây làm rơi một phần sâu xuống đất để bắt giết bằng tay; Dùng cuốc, xén, cào bới nhẹ lớp đất mặt xung quanh gốc và rộng dần ra dưới tán cây tìm bắt giết nhộng sâu.

- Sử dụng bẫy đèn: Dùng các loại đèn ắc quy, đèn măng xông, đèn có tia UV để bẫy sâu, bướm... bằng cách thắp sáng từ 19 - 22 giờ đêm ở những khu vực có sâu đo gây hại, chúng sẽ bay đến, dùng vợt bắt đem tiêu diệt.

anh tin bai

Bà con nông dân cần thường xuyên, thăm đồng để phát hiện và phòng từ kịp thời sâu đo hại quế

- Biện pháp sinh học: Bảo vệ những loài thiên địch có ích như kiến, ong, chim, các loại bò sát..., không lạm dụng trong việc sử dụng thuốc hóa học.

- Biện pháp hóa học: Khi mật độ sâu gây hại cao có thể sử dụng một số loại thuốc có chứa hoạt chất hóa học để phòng trừ như: Emamectin benzoate (Dylan 10 WG; Comda gold 5 WG; Rholam 20 EC, 50 WP, 68 WG...). Hiệu quả phòng trừ khi sâu non ở giai đoạn tuổi 1 - 2. Khi phun trừ sâu đo ăn lá quế nên phun khi sâu mới nở sống tập trung trên lá hoặc ở kẽ thân, hiệu quả phòng, trừ sẽ cao nhất.

Lưu ý: Trong quá trình phun thuốc cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như: Quần áo, ủng, mũ, kính mắt, găng tay; phải cắm biển báo khu vực mới phun thuốc đảm bảo an toàn cho người và động vật; đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc từ 10 - 15 ngày mới khai thác, thu hoạch quế.

* Phương tiện phun thuốc:

Việc phòng, trừ sâu hại cây lâm nghiệp nói chung, cây quế nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do cây cao đã khép tán, địa hình đồi dốc, không có bình bơm chuyên dụng. Tuy nhiên, với giá trị kinh tế của cây quế biện pháp phòng, trừ là phương án tối ưu khi dịch hại bùng phát. Tại các địa phương có thể sử dụng máy bơm áp lực (máy rửa xe) để phun trừ. Máy được đặt dưới chân đồi, một đầu hút được nối vào thùng phi chứa dung dịch nước thuốc đã pha, còn đầu đẩy có thể nối dây dài tùy theo địa điểm cần phun. Đối với cây cao >10m nối thêm sào để lượng nước thuốc có thể rải đều tán cây.

Lưu Hoà

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập