image banner
Lào Cai 22° - 25°
Những chuyển biến tích cực trong thực hiện đề án giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp Lào Cai

Sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao đời sống người nông dân, thúc đẩy phát triển nông thôn mới. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp càng phát triển thì lượng rác thải ra môi trường cũng ngày một nhiều. Đặc biệt các chất thải nguy hại như bao bì, vỏ chai, vỏ thuốc trừ sâu, vỏ thuốc bảo vệ thực vật,… vứt bừa bãi ra môi trường. Trong khi đó công tác thu gom, xử lý chưa được đồng bộ hóa.

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các địa phương, tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025.

Sau 01 năm thực hiện Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã bước đầu thu được những kết quả tích cực, được người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; nhận thức và hành động về thu gom, xử lý chất thải nhựa tiếp tục chuyển biến, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngay sau khi ban hành kế hoạch triển khai Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025. Xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án các địa phương đã tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt thực hiện các giải pháp với quyết tâm giảm ô nhiễm môi trường nông thôn ngay chính trên địa phương mình. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa và túi nilon gây ra đối với môi trường nói chung; chất thải nhựa là vỏ bao bì chứa đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vỏ vacxin tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm sau sử dụng nói riêng đến bà con nông dân các thôn bản. 

anh tin bai

            Tại xã Bản Sen, huyện Mường Khương có diện tích đất nông nghiệp trên 1836 ha, trong đó, diện tích lúa nước là 172 ha, diện tích đất trồng ngô trên 360 ha, diện tích chè trên 755 ha. Là xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới nên người dân Bản Sen có trình độ thâm canh cao, việc sử dụng thuốc BVTV cũng phổ biến hơn nhiều nơi khác. Trước đây, tại Bản Sen, chai, lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng chủ yếu vứt lại trên đồng ruộng, nương đồi, ven đường giao ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, nhất là nguồn nước bề mặt, nguồn nước ngầm và gây mất mỹ quan. trước thực trạng đó  xã Bản Sen đã thành lập mô hình “Cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng”, đây là mô hình hoạt động theo nhóm tự quản do trưởng thôn làm nhóm trưởng, các thành viên gồm cán bộ khuyến nông, cán bộ chi hội nông dân, phụ nữ, đoàn viên chi đoàn. Nhóm tự quản chịu trách nhiệm phụ trách khu vực, cánh đồng về việc kiểm tra, giám sát khi người dân sử dụng thuốc BVTV và yêu cầu mọi người bỏ vào các bể chứa đúng nơi quy định.

Được tập huấn, nên bà con đã hiểu rõ hơn tác hại của rác thải độc hại là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, do đó ai cũng ý thức được cần phải bỏ rác thải thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa để giữ môi trường sống trong sạch. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực đối với bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn, trong thời gian tới, địa phương sẽ huy động thêm nguồn lực để đầu tư xây nhiều bể chứa rác thải hơn nữa. Môi trường an toàn trong sản xuất nông nghiệp đang được xã Bản Sen, huyện Mường Khương đặc biệt quan tâm. Từ việc tuyên truyền thay đổi hành vi đến thực hiện trên thực tế đang giúp địa phương này xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, giúp tăng thu nhập cho mỗi hộ sản xuất.

Hay xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương là xã vùng cao biên giới, có 100 % đồng bào dân tộc sinh sống. Người dân nơi đây chủ yếu phát triển kinh tế từ nông nghiệp, nguồn rác thải đặc biệt là rác thải từ các chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, các loại bao bì nhựa đã qua sử dụng rất nhiều. Việc nâng cao ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn và việc xử lý rác thải nhựa là vô cùng cần thiết. Do vậy, đoàn xã Nậm Chảy đã lên kế hoạch từng tháng, từng quý các nội dung gắn với bảo vệ môi trường. Phối hợp với các nhà trường, khu dân cư tổ chức ngày thứ bẩy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh. Qua các hoạt động mỗi đoàn viên thanh niên tự bồi đắp cho mình những kiến thức về bảo vệ môi trường. Từ đó, biến thành hành động thực hiện ở mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, trở thành tuyên truyền viên từ hành động đến việc làm tạo hiệu ứng tốt cho người dân làm theo.

anh tin bai

Các đoàn thể trên địa bàn tỉnh triển khai tuyên truyền, thực hiện thu gom chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tự quản thu bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng” và được thực hiện tại vùng chè Mường Khương, vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại huyện Bảo Yên và xã Bản Xen (Mường Khương).. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân quy cách sử dụng thuốc BVTV an toàn theo nguyên tắc “4 đúng”. Việc xây dựng các bể chứa vỏ thuốc BVTV cũng khá hợp lý, bởi trước khi thực hiện, các thôn đều tổ chức họp dân để lựa chọn vị trí, vừa thuận lợi trong sản xuất nhưng cũng tránh xa nguồn nước, xa khu dân cư.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, một trong những khó khăn trong thu gom vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh là ý thức của người dân còn chưa cao, chưa quan tâm thu gom. Bên cạnh đó, trên địa bàn các huyện, xã thiếu nhiều bể chứa, các bể lại xây dựng cách xa nhau nên chưa thuận lợi cho người dân thu gom.Việc thiếu bể chứa đang là trở ngại bởi người nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ không biết phải thu gom chuyển đi đâu vì nơi có bể, nơi lại không. Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm tới việc tổ chức thu gom vỏ, bao, gói thuốc bảo vệ thực vật và tuyên truyền nâng cao ý thức trong Nhân dân. Cùng với đó, kinh phí để thu gom, xử lý vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn hạn hẹp. Điều quan trọng nhất hiện nay đối với các địa phương là cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

 Hiện toàn tỉnh Lào Cai có trên 2.000 bể thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, trong đó, nhiều nhất là huyện Bảo Thắng với 445 bể. Tuy nhiên, số lượng còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Qua phân tích về diện tích sản xuất cây trồng nông nghiệp thì toàn tỉnh cần đến gần 40.000 bể.

Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi người dân sản xuất về tác hại của chất thải nhựa và túi nilon gây ra đối với môi trường; đặc biệt chất thải nhựa là vỏ bao bì chứa đựng thuốc bảo vệ thực vật, vỏ vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi...

Hướng dẫn thu gom, phân loại, xử lý chất thải nhựa trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đến từng hộ dân. Vận động nguồn kinh phí để xây các bể chứa trên từng khu đồng sản xuất; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Tại từng địa phương nên cử nhiều cán bộ đi học tập và nâng cao kiến thức về phân loại rác thải. Tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc xử lý rác không đúng cách. Đồng thời học thêm các kiến thức về nông nghiệp, các biện pháp canh tác giống cây mới kháng sâu bệnh để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu nông nghiệp. Cần lập một đội ngũ chuyên thu gom, xử lý rác thải tại từng địa phương, làng, xóm. Phân chia các đội thu gom rác thải thành từng nhóm nhỏ để đảm bảo công tác thu gom luôn đảm bảo nhân lực.

Đặc biệt để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa sau sản xuất nông nghiệp, cần có sự chung tay, góp sức của người dân và cả hệ thống chính trị. Do đó, phải tiếp tục coi công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về tác hại của rác thải nhựa, những biện pháp thu gom và xử lý rác thải nhựa là hoạt động trọng tâm, xuyên suốt.

Thu Hà - CTV KN

 

 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập