1. Phân bón và cách bón phân
cho lúa
a. Đối với phân đơn:
- Lượng phân bón (tính cho một sào Bắc bộ 360 m2): Phân chuồng 300-400 kg + Đạm
urê 10 kg + Supe lân 20 kg + Kali clorua 5,5 kg. Trong vụ mùa, vụ hè thu giảm 10-15% lượng
đạm, tăng 15-20% lượng phân kali so với vụ xuân.
- Cách bón: Nên bón nặng đầu nhẹ cuối.
+ Bón lót:
Bón lót toàn bộ phân chuồng + lân + 40% đạm + 30% kali trước khi bừa cấy.
+ Bón thúc
khi lúa bén rễ hồi xanh: 50% đạm + 30% kali (chú ý: Vụ xuân khi trời ấm mới bón
đạm).
+ Bón đón
đòng: 10% đạm + 40% kali.
b. Đối với phân tổng hợp NPK:
- Lượng phân
bón và cách bón:
Bón lót (trước
khi bừa cấy): bón 600-700 kg/ha (21 – 25 kg /sào Bắc bộ) phân NPK (5.10.3) cho
vụ xuân; bón 450-550 kg/ha (16 – 20 kg/sào Bắc bộ) cho vụ mùa và hè thu.
Bón thúc lần 1
(khi lúa bén rễ hồi xanh): bón 360-400 kg/ha (13 – 14,5 kg/sào Bắc bộ) phân NPK
(12.5.10) + 25-30 kg/ha (0,9 – 1,1 kg/sào Bắc bộ) phân đạm urê, kết hợp làm cỏ
sục bùn.
Bón thúc lần 2
(khi lúa đứng cái): 80-100 kg/ha (2,9 – 3,6 kg/sào Bắc bộ) phân kali clorua.
c. Đối với phân nén NPK dúi sâu bón cho lúa
cấy:
- Yêu cầu với kỹ thuật cấy lúa:
+ Chuẩn bị khung cấy: Dùng nguyên liệu tại chỗ (che, hóp, gỗ) đóng bộ khung
cấy. Sử dụng dây cấy chế sẵn hoặc dùng 6 sợi dây được tháo ra từ bao tải để xe
thành dây cấy. Bộ dây cấy chỉ nên dài khoảng 30 m.
+ Chuẩn bị ruộng cấy: Yêu cầu cày bừa, làm đất như với ruộng cấy lúa bình
thường, bừa càng phẳng mặt ruộng thì càng dễ quản lý mực nước, cấy và dúi phân
nhanh. Bón lót 200 – 300 kg phân chuồng hoai và 10 – 15 kg phân lân Văn Điển
hoặc supe Lâm Thao cho 1 sào Bắc bộ (360 m2) trước khi cấy như bón
phân thông thường. Luôn giữ mực nước trong ruộng 3 – 5 cm từ lúc cấy cho đến
khi bón phân.
+ Cấy lúa: Cấy thẳng hàng, đúng mật độ, khoảng cách. Nên cấy lúa theo từng
luống cách nhau 25cm để thuận tiện cho việc chăm sóc và áp dụng kỹ thuật bón
phân viên nén dúi sâu sau này. Mỗi luống gồm có 8 hàng lúa theo khoảng cách cấy
18 x 18 cm (nghĩa là khóm cách khóm 18 cm, hàng cách hàng 18 cm), mỗi khóm 1 -
2 dảnh.
- Kỹ thuật bón phân cho lúa cấy
+ Lượng phân bón: Tùy theo mật độ cấy mà có thể bón từ 7,5 - 8,0 kg/sào Bắc
bộ (360 m2).
+ Kỹ thuật bón (dúi) phân viên nén NK: Bón tốt nhất là ngay sau khi cấy 2 -
3 ngày, thời gian bón càng ngắn càng tốt. Mực nước trong ruộng lúc bón phân sâu
bằng một đốt ngón tay là vừa.
Cách bón: Bỏ sẵn phân viên vào 1 cái túi đeo bên mình, số lượng phân viên
phải đủ để bón cho 2 băng lúa, mỗi người đi 1 hàng bón dúi cho 2 hàng bên cạnh
(cách 1 hàng bón dúi cho 1 hàng, cứ 4 khóm lúa bón dúi 1 viên phân nén NK).
Cách dúi phân: Một tay luôn để khô để lấy phân đưa qua tay kia dúi sâu 6 -
8 cm so với mặt ruộng (ngập hết 2 ngón tay cầm viên phân là vừa). Sau khi dúi
xong, dùng tay gạt nhẹ một lớp bùn mỏng phủ kín viên phân.
Một
số điểm lưu ý khi bón phân viên nén NPK để đạt hiệu quả cao nhất:
- Cấy lúa thẳng hàng để dúi phân nhanh, dễ dúi, dúi đúng vị trí và đảm bảo
mật độ sẽ giúp cây lúa sinh trưởng nhanh, đồng đều, đẻ nhánh khỏe và tập trung,
cho năng suất cao.
- Không nên bón phân viên trên các chân ruộng đất cát, cát pha, hiệu quả sẽ
không cao do khả năng giữ phân của đất kém.
- Thường xuyên kiểm tra mực nước trên ruộng, không để ruộng khô nứt nẻ gây
mất phân.
- Trong vòng 30 ngày đầu sau khi dúi phân, không nên bước chân vào ruộng để
không làm xê dịch viên phân.
- Không nên dúi viên phân nông hơn 5 cm hoặc dúi sâu quá 10 cm vì như vậy,
phân dễ bị bay hơi hoặc lâu thấm lên phía trên làm cho lúa chậm phát triển.
- Bón phân viên NK thì nhất thiết phải bón thêm 200 – 300 kg phân chuồng
hoai mục, 10 – 15 kg supe lân cho 1 sào 360 m2.
Khi bón phân viên nén dúi sâu sẽ thấy hiện tượng cây lúa sinh trưởng chậm
hơn so với phương pháp bón phân gieo vãi từ 5-8 ngày. Để khắc phục tình trạng
này bà con nên bón vãi trên mặt ruộng trước khi cấy 0,5kg urê/sào Bắc bộ sẽ
giúp cây lúa sinh trưởng bình thường. Có thể kết hợp rắc hoặc phun thuốc trừ cỏ
cho ruộng lúa ngay sau khi bón phân viên nén NK dúi sâu.
2. Chăm sóc, tưới và tiêu
nước:
- Từ khi cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh giữ mực nước 3 – 5 cm để lúa đẻ
nhánh tốt.
- Cuối thời kỳ đẻ nhánh (khi lúa đạt khoảng 350 dảnh/m2) đến
chuẩn bị phân hoá hoa tiến hành rút nước phơi ruộng (khoảng 10– 15 ngày) để hạn
chế đẻ nhánh lai rai (dảnh vô hiệu), tạo độ thông thoáng và tăng hàm lượng ôxy
cho đất, kích thích bộ rễ phát triển mạnh cả về chiều sâu và bề rộng để vừa
tăng khả năng chống đổ, vừa tăng hút chất dinh dưỡng cung cấp cho cây và hạn
chế bệnh hại (đây là biện pháp thâm canh bắt buộc để lúa chắc hạt, chống đựng
tốt và cho năng suất cao). Sau đó lại cho nước vào ruộng giữ 5-7 cm cho đến khi
lúa chắc xanh thì rút cạn.
- Trước khi bón thúc lần 2 (bón đón đòng), đưa nước vào ruộng để hoà tan
dinh dưỡng, giúp cây hấp thu tốt và đáp ứng đủ dưỡng chất cho quá trình làm
đòng, trỗ bông thuận lợi.
- Với các khu ruộng chủ động tưới tiêu có thể áp dụng kĩ
thuật tưới nước theo SRI.
Nguyễn Xuân Toàn
Trung tâm Khuyến nông và DVNN