Cháy rừng là một thảm họa gây thiệt hại lớn đối với tính mạng và tài sản của con người, tài nguyên rừng và môi trường sống. Trong điều kiện thời tiết hanh khô, việc người dân đốt nương để canh tác đang tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất cao, người dân cần chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Trong những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên làm mọi biện pháp tuyên truyền, cảnh báo về những nguy cơ, hướng dẫn cho người dân các phương án an toàn khi đốt thực bì nương (rẫy). Tuy nhiên tình trạng cháy rừng từ nguy cơ này vẫn xảy ra. Nguyên nhân của tình trạng trên thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do yếu tố chủ quan của người dân.
Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng
Đốt thực bì để canh tác là nhu cầu chính đáng và là phương thức canh tác của người dân miền núi từ xưa tới nay. Tuy nhiên không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức đặc biệt là kinh nghiệm về vấn đề này. Chỉ cần có sai sót nhỏ trong công tác chuẩn bị đều xảy ra hậu quả lớn.
Do đó để đảm bảo an toàn khi đốt thực bì, người dân cần chú ý một số nội dung sau:
1.Phải theo dõi thời tiết trước khi chuẩn bị đốt thực bì. Tuyệt đối không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao (cấp IV, cấp V).
2. Làm thật tốt công tác chuẩn bị trước khi đốt thực bì:
- Quan sát các khu vực xung quanh rẫy để tính toán mức độ lây lan của ngọn lửa (các khu rừng xung quanh rậm, nhiều chất dễ cháy: Bụi rậm, thực bì, cỏ khô…..độ dốc cao… phải dọn đường ranh thật rộng và an toàn (đường ranh phải dọn sạch các vật liệu gây cháy). Kéo các thực bì gần đường ranh vào xa khu vực bên trong rẫy để tránh ngọn lửa gần ranh bùng lên cao;
- Chuẩn bị các thiết bị chữa cháy (dập lửa);
- Trong ngày, tiến hành đốt thực bì lúc gió nhẹ, thông thường đốt trước 9 giờ sáng và sau 16 giờ chiều;
- Trước khi đốt nương (rẫy) phải thông báo với trưởng thôn,bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa…
3. Không đốt thực bì khi chỉ có từ 1 - 2 người. Thông thường khi đốt, tuỳ theo độ rộng, mức độ nguy hiểm của rừng mà chuẩn bị số lượng người tham gia để bảo đảm an toàn; bố trí vị trí đứng phù hợp, tránh bị ngạt khói.
4. Cần có kinh nghiệm trong khi đốt, thông thường sẽ đốt ngược hướng gió trước, khi lửa cháy được vào 1/3 rẫy thì tiến hành đốt các hướng khác.
5. Khi phát hiện cháy rừng phải thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng để tổ chức dập tắt ngay khi đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn./.
Lưu Hoà(TH)