Hướng dẫn cách nhận biết, phòng trừ bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng
Cây hoa hồng là loại hoa được trồng phổ biến nhất ở nước ta hiện nay và đang có xu thế phát triển mạnh, là một trong những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế khá cao trong nghề trồng hoa. Bệnh phấn trắng hoa hồng là một loại bệnh phổ biến và rất dễ gặp trên các loại cây trồng - đặc biệt là cây hoa hồng. Phổ biến và dễ gặp nhất đối với các loại hồng leo, vì chúng rất dễ bị nhiễm bệnh . Khi cây hoa hồng bị bệnh phấn trắng, lá khó quang hợp, cây yếu ớt, ra hoa kém hoặc thậm chí có thể gây suy cây và chết cây nếu bị nặng. Bà con cần lưu ý các biện pháp phòng trừ như sau:
Bệnh phấn trắng trên lá và nụ
Nguyên nhân: bệnh phấn trắng do nấm gây nên, tên khoa học là: Nấm Sphaerotheca pannosa var.. Nấm phấn trắng là loại nấm ký sinh chuyên tính (ngoại ký sinh) có sợi lan rộng che phủ kín bề mặt mô bệnh tạo vòi hút trong các tế bào cây. Bào tử phân sinh hình trứng, đơn bào, không màu, truyền lan nhờ gió, mưa.
Điều kiện phát sinh: Bệnh thường phát sinh từ tháng 2 đến tháng 6,7. Trong điều kiện mưa, nắng thất thường; là điều kiện thuận lợi để phát triển chồi nụ hoa, thì cũng là điện kiện để nấm phấn trắng phát tán lây lan trong vườn hồng. Trồng mật độ cao và bón nhiều phân đạm vô cơ cũng là điệu kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.
Triệu chứng: Bệnh phát sinh và gây hại ngay từ thời kỳ cây con. Xuất hiện lớp bột phấn mịn màu trắng, xuất hiện nhiều nhất ở 02 mặt lá (không bị giới hạn bởi gân lá), nụ và chồi non của cây hoa hồng. Lá của hoa hồng bắt đầu quăn queo, méo mó rồi đổi thành màu tím hoặc đỏ nhạt. Sau đó, lá của cây hoa hồng rụng dần. Vi nấm phát triển mạnh và lan đến đài hoa, cuống hoa làm cho cuống trở nên dày và thô cứng. Sau đó làm chúng chuyển sang màu tím đỏ nhạt, hoa không nở được.
Biện pháp phòng trừ:
Chọn giống cây khỏe, kháng bệnh. Vệ sinh đồng ruộng; cần loại bỏ những lá, chồi, cành bị bệnh, tốt nhất đem tiêu hủy càng xa cây càng tốt.
Làm thông thoáng mặt luống, trồng đúng mật độ, không trồng quá dày để giảm độ ẩm mặt luống, cây và lá nhận được nhiều ánh sáng. Nếu trồng trong nhà lưới, nhà kính cần chú ý tăng cường thông gió, giảm bớt nhiệt độ và độ ẩm.
Thường xuyên cắt tỉa nụ hoa khi tàn, cắt tỉa cành tạo tán, cắt bỏ cành phụ.Bón phân cân đối, không bón dư thừa đạm.
Khi bệnh chớm phát sinh và gây hại có thể sử dụng thuốc trừ nấm chứa hoạt chất: Difenconazole, Azoxystrobin, ... (ví dụ: thuốc Amistartop 325sc, Paramax 400sc,...) phun theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì và phun vào cả mặt trên và mặt dưới của lá. Nếu vườn hoa hồng bị nặng cần phun nhắc lại lần hai sau lần một 3-5 ngày, nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun.
BBT