image banner
Lào Cai 28° - 30°
CÁC BIỆN PHÁP GIÚP CÂY TRỒNG PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH TRONG THỜI TIẾT NẮNG NÓNG

CÁC BIỆN PHÁP GIÚP CÂY TRỒNG

PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH TRONG THỜI TIẾT NẮNG NÓNG

Theo số liệu báo cáo từ UBND các huyện, thị xã, thành phố: thời gian vừa qua, do thời tiết nắng nóng kết hợp với thiếu nước sản xuất trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất của  11.526,8 ha cây trồng (gồm: lúa, ngô, rau màu, cây hàng năm, cây ăn quả, cây lâu năm…). Để giúp cây trồng phát triển ổn định trong thời tiết nắng nóng, hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đến sinh trưởng và năng suất cây trồng, bà con cần lưu ý áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:

1. Đối với cây rau màu ngắn ngày.

Biện pháp che phủ cho đất

Che phủ đất là biện pháp quan trọng để giúp cây trồng vượt qua nắng nóng khô hạn. Việc che phủ đất sẽ giúp hạn chế nước trong đất thoát hơi nhanh dưới ánh mặt trời, giúp tiết kiệm lượng nước tưới vào đất và tránh sốc cho cây trồng.

Nên sử dụng các vật liệu hữu cơ như rơm rạ, thân cây ngô đậu, bèo lục bình, thân lá chuối, lá khô,… che phủ xung quanh gốc cây theo độ rộng của tán, tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào gốc cây.

Tưới nước giữ ẩm:

Là việc tối quan trọng trong quá trình chăm sóc cây trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Những ngày này cây cần rất nhiều nước do bị mất nước quá nhiều dưới nhiệt độ cao. Tuy nhiên, lượng nước cây cần phải được cung cấp và duy trì đều đặn. Nếu đất không được duy trì độ ẩm, chịu khô hạn trong một thời gian dài sau đó lại nhận được một lượng nước lớn từ bên ngoài sẽ khiến cây sốc nước, rụng trái hàng loạt. Vì vậy cần áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước, tưới phân bổ để đảm bảo lượng nước tối thiểu cho cây.

Về thời gian tưới: Nên tưới lúc sáng sớm khi chưa có ánh sáng mặt trời và chiều tối khi trời đã tắt nắng. Nên tưới nuowsc kết hợp bổ sung chế phẩm chứa  humic để giúp giữ keo đất, làm mát rễ. Khi tưới nên tưới chậm, tưới đều để nước có thể ngấm xuống sâu trong đất.

Phòng trừ sâu bệnh:

Thời tiết nắng nóng, khô hạn là điều kiện thuận lợi cho nhện đỏ, rệp phát triển nhanh và gây hại mạnh. Chúng chích hút dịch, làm mất diệp lục của lá, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây. Nhện đỏ chích hút trên trái non sẽ khiến trái lúc lớn có mẫu mã xấu, vỏ trái loang lổ, da rám, sần sùi, ruột khô sượng. Ngoài ra nắng nóng kéo dài có thể gây cháy lá, làm giảm sức đề kháng của cây là điều kiện thuận lợi cho nấm, vi khuẩn tấn công gây thối, đốm lá, cháy lá…Vì vậy cần thường xuyên kiểm tra, phòng trừ  các đối tượng sâu, bệnh hại kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị. 

Bổ sung dinh dưỡng để dưỡng cây

Khi đang trong đợt nắng nóng, không nên bón phân cho cây trồng vì sẽ gây tổn thương cho bộ rễ, làm tăng nguy cơ héo lá hoặc chết cây. Tuy nhiên sau đợt nắng nóng, các bộ phận của cây đều phần nào chịu tổn thương, suy kiệt cần bổ sung dinh dưỡng để dưỡng cây. Đối với những cây đang giai đoạn ra hoa- quả rất nhạy cảm, nếu giai đoạn này không được chăm sóc sẽ dễ bị rụng hoa, quả non, giảm chất lượng. Để giúp cây nhanh chóng hồi phục cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cân đối. Nên bổ sung phân bón hữu cơ hoai mục và các dòng phân bón có chứa amino acid giúp làm mát cây, chống sốc nhiệt. Gia tăng khoáng kali, canxi tự nhiên giúp tăng độ ngọt, chống nứt thân, nứt trái.

2. Đối với  các loại cây dài ngày (cây ăn quả, cây chè, cây lâm nghiệp…)

Thời tiết nắng nóng không chỉ xảy ra một lần trong năm, mà xuất hiện rất nhiều đợt với cường độ khác nhau. Để cây trồng có thể phát triển ổn định xuyên suốt mùa nắng cũng như để tiết kiệm chi phí và công sức chăm bón thì nhà vườn cần thực hiện các biện pháp có tính lâu dài, như:

Nuôi dưỡng thảm thực vật che phủ đất

 

anh tin bai

Thảm thực vật che phủ đất giúp cây trồng sinh trưởng ổn định trong nắng nóng

Để đảm bảo độ ẩm cho đất luôn duy trì ở mức ổn định thì nhà vườn cần che phủ toàn bộ vườn trồng bằng thảm thực vật. Đặc biệt đối với các vườn cây ăn quả nhất định phải có cỏ, cây bụi thấp che phủ đất. Cỏ và cây bụi sẽ giúp bảo vệ tầng đất mặt khỏi ánh nắng thiêu đốt của mặt trời, giảm bớt nhiệt độ đất, hạn chế sự bốc thoát hơi nước, che chắn, hạn chế sự xói mòn rửa trôi đất và giữ cho bộ rễ khỏi thương tổn.

Một số loại cỏ mà các vườn cây ăn trái nên có là cỏ bản địa (cỏ mọc tự nhiên trong vườn), cỏ xuyến chi, cỏ lạc dại, cỏ vetiver… Đặc biệt với các vườn cây con cần trồng các loại cây che nắng để hạn chế sức nóng của mặt trời chiếu thẳng đến cây trồng.

Tăng cường phân bón hữu cơ và dinh dưỡng cho đất

Việc bổ sung hữu cơ sẽ giúp cải thiện các tính chất của đất. Đất được bổ sung nhiều chất hữu cơ sẽ trở nên xốp, thông thoáng, giữ ẩm tốt hơn. Điều này giúp tiết kiệm được lượng nước tưới và giúp rễ cây phát triển tốt hơn.

Bổ sung hữu cơ cho đất cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển, giúp chuyển hóa dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng khỏi nấm bệnh tấn công.

Cần định kỳ bổ sung hữu cơ cho đất bằng các loại phân hữu cơ hoai mục, như phân chuồng, phân xanh, phân compost, phân hữu vi sinh, phân hữu cơ sinh học… đồng thời bổ sung thêm các vi sinh vật hữu ích để tăng cường phân giải chất hữu cơ và đối kháng các vi khuẩn, nấm bệnh…

Duy trì độ ẩm ổn định

Việc duy trì độ ẩm đất thường xuyên, ổn định giúp quá trình trao đổi chất của cây diễn ra thuận lợi, cây phát triển khỏe mạnh, cho sản phẩm chất lượng. Đối với cây trồng, độ ẩm đất cần phải được duy trì ở mức 60% (tối thiểu là >40%). Nếu để cây rơi vào khô hạn kéo dài rồi mới bổ sung nước đột ngột sẽ khiến cây trồng bị sốc, ảnh hưởng tới bộ rễ của cây, tăng nguy cơ rụng hoa, quả thậm chí là gây chết cây rất cao.

Phòng trừ sâu bệnh:

Thường xuyên theo dõi, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh kịp thời, hiệu quả, nhất là các loại nhện, rệp, bệnh cháy lá, đốm lá... gây hại./.

 

                                                                                                                                     Bài và ảnh: Bùi Thị Hương

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập