Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại huyện Văn Bàn: Tăng cường chất lượng trồng rừng vì mục tiêu bền vững
Ngày 15/3/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai tổ chức kiểm tra việc trồng rừng, bảo vệ rừng và khảo sát tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại các xã Nậm Tha và Liêm Phú, huyện Văn Bàn.
Đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường làm trưởng đoàn, các đơn vị liên quan gồm Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn.
Ảnh: Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại chốt bảo vệ rừng có độ cao 1.900m
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra di chuyển từ xã Nậm Có, huyện Chấn Yên, tỉnh Yên Bái bằng xe máy và đường bộ sang địa phận tỉnh Lào Cai. Đây là một cung đường khó với sự chênh lệch về độ cao lớn, điểm xuất phát có cao độ 400m và điểm cuối có cao độ 1.900 m so với mực nước biển, tổng chiều dài cung đường gần 30 km với địa hình đường đồi núi quanh co, dốc lớn. Đoàn di chuyển đến các lô rừng trồng, khảo sát tiềm năng du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên tại quần thể Bách tán đài loan thuộc Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn, khảo sát theo tuyến để đánh giá tổng quan thuận lợi, khó khăn phục vụ xây dựng kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2025-2030 tại khu vực giáp ranh.
Ảnh: Tuyến đường dài 27,3 km qua địa phận Yên Bái – Lào Cai
Huyện Văn Bàn có 103.989,3 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 84.263.6 ha cùng với sự đa dạng của các loài động thực vật. Đây cũng là khu vực có địa hình đồi núi phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy rừng, suy thoái tài nguyên rừng nếu không được quản lý hiệu quả. Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Văn Bàn nói riêng đã đẩy mạnh các chương trình trồng rừng, góp phần tăng độ che phủ rừng và phục hồi các khu vực rừng bị suy thoái, từ đó tăng diện tích rừng, giảm thiểu các nguy cơ cháy rừng xảy ra.
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh thực hiện trồng mới 1.132,33 ha rừng trồng thay thế, trong đó huyện Văn Bàn thực hiện trồng 437,78 ha. Tuy nhiên, chất lượng trồng rừng vẫn là một bài toán cần được giải quyết triệt để, trong thực tế các dự án trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng gặp nhiều khó khăn. Bởi hầu hết những khu vực đất trống quy hoạch để trồng rừng hiện nay đều xa khu dân cư, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn và điều kiện thời tiết khắc nhiệt, đất đai rất cằn cỗi, các cây rừng tự nhiên không thể tái sinh... Chính vì lý do đó việc kiểm tra lần này không chỉ giám sát các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng trồng rừng của các chủ rừng, kiểm tra đánh giá diện tích đất trống có khả năng trồng rừng sau điều chỉnh các phân khu chức năng Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn theo Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 28/02/2025 của Ủy ban nhân nhân tỉnh Lào Cai.
Ảnh: Kiểm tra công tác trồng rừng tại thực địa
Ngay tại lán bảo vệ rừng, sau khi kiểm tra công tác trồng rừng và khảo sát quần thể Bách tán đài loan cổ thụ, đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh đã chỉ ra những ưu điểm, tuyên dương một số kết quả đạt được của chủ rừng, chỉ ra khuyết điểm trong công tác trồng rừng. Theo đó, để trong các năm tiếp theo công tác trồng rừng đạt kết quả cao hơn nữa, hạn chế tối đa rủi ro cho các công trình lâm sinh thì việc tuyển lựa cây trồng phù hợp với điều kiện tiểu khí hậu từng vùng, lựa chọn mùa vụ, lựa chọn giống và thực hiện đúng các biện pháp lâm sinh… là điều kiện tiên quyết để thực hiện trồng rừng. Các thành viên trong đoàn công tác sau khi kiểm tra hiện trường cũng đề xuất ý kiến nhằm nâng cao khả năng phát triển của cây trồng tại vùng khí hậu khô nóng và gió lớn, khả năng giữ nước thấp, dễ bị rửa trôi… từ đó giúp cây trồng thích nghi tốt nhất với điều kiện thời tiết, tăng cường khả năng phát triển.
Ảnh: Chụp lô rừng trồng ngày 15/3/2025 bằng Flycam của đoàn công tác
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc trồng rừng không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là trách nhiệm đối với môi trường và thế hệ tương lai. Vì vậy, việc kiểm tra tại các xã Nậm Tha và Liêm Phú huyện Văn Bàn không chỉ là một hoạt động giám sát thông thường mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc thúc đẩy phát triển rừng bền vững tại huyện Văn Bàn. Bằng cách đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp, đoàn kiểm tra sẽ giúp các đơn vị chủ rừng nhận diện rõ những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác trồng rừng. Ngoài ra, việc kiểm tra còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng trong việc thực hiện các chính sách lâm nghiệp của Nhà nước./.