Lào Cai 25° - 27°
Gian nan bài toán tiêu thụ sản phẩm Mận tam hoa Bắc Hà mùa dịch Covid-19

 

“Mận Tam Hoa” – loại quả đặc sản của vùng đất du lịch “cao nguyên trắng” Bắc Hà (Lào Cai), hiện nay đã bắt đầu vào chính vụ thu hoạch, tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều địa phương trong cả nước tạm dừng các hoạt động du lịch, dịch vụ nên sức mua thị trường yếu hơn mọi năm, giá mận cũng theo đó mà giảm khoảng một nửa so với năm trước mà vẫn vắng khách mua,  khiến người trồng mận Bắc Hà lo lắng.

Loay hoay bài toán tiêu thụ sản phẩm…

Chị Vàng Thị Khuyên, dân tộc Tày xã Na Hối (- nơi có vựa mận Tam Hoa lớn nhất Bắc Hà) buồn rầu cho biết: Gia đình tôi có trên 200 gốc Mận, cây năm nay rất sai quả và chỉ ít ngày nữa là sẽ chín đồng loạt. Với nông dân Na Hối chúng tôi thì mận là cây trồng chủ lực, bao hi vọng đều trông cả vào vụ mận, thế nhưng hiện nay giá mận bán được khá thấp lại bấp bênh, tôi đã giảm giá rồi mà còn vắng khách mua, ngay như sáng sớm nay có xe ô tô về tận trung tâm huyện thu mua, họ chỉ trả 3.000 -5000 đồng/kg mận xô, bà con cũng đành phải bán, vì khi quả đã chín khó giữ lâu.

Có chung tâm sự, Bác Nguyễn Thị Khánh- một người dân trồng mận, đang bán mận tại cổng Đền Bắc Hà chia sẻ: “Mọi năm khi khách du lịch lên đông (lên xem đua ngựa Bắc Hà đầu tháng 6), thì quả mận dễ bán hơn, mận Tam Hoa của huyện Bắc Hà đã có thương hiệu nên khách du lịch rất ưa chuộng, tìm mua và thường bán được giá cao, ổn định, ví như năm ngoái loại quả to có giá lên tới 50.000 đồng/ kg. Có gia đình thương lái thấy đẹp còn mua cả vườn, còn năm nay họ chỉ mua theo thời điểm. Đối với Mận loại 1, quả to và đều như nhau thì mới có giá 30 nghìn đồng /kg, loại bé hơn thì 10-15 nghìn, loại bé hơn nữa thì từ 3-5 nghìn. Thấp hơn so với thời điểm năm ngoái rất nhiều.

Ông Nguyễn Xuân Giang- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà cho biết: “Năm 2021, với thời tiết, khí hậu thuận lợi mận Tam Hoa và các loại cây ăn quả ôn đới địa phương được mùa, theo kết quả rà soát, đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT ước sản lượng mận Tam Hoa và cây ăn quả ôn đới khá cao (khoảng 3.500 tấn, trong đó riêng Mận Tam hoa ước đạt trên 3.000 tấn, còn lại là các loại cây ăn quả khác như Lê VH6, Lê xanh, mận Tả Van khoảng 500 tấn). Dự kiến trong khoảng 3 tuần đầu của tháng 6/2021, mận khi đó chín rộ nên dự báo khả năng tiêu thụ sản lượng mận trong gặp rất nhiều khó khăn. Huyện hiện nay cũng chưa có nhà máy bảo quản, chế biến, sản xuất hoa quả tươi nên khả năng tiêu thụ sản phẩm dự báo gặp nhiều khó khăn hơn.

Tính đến ngày 03/6/2021, Ước sản lượng mận huyện đã tiêu thụ mới đạt 962 tấn, trong đó chủ yếu các tiểu thương giao dịch tại khu vực cổng Đền Bắc Hà, đóng hộp gửi xe đi Lào Cai, Hà Nội và các thành phố lớn khác; Ngoài ra bước đầu đã có đơn mua hàng qua sàn thương mại điện tử Postmart, Voso.vn được tổng số 49 đơn hàng, với số lượng 275kg quả.

Cơ quan, ban ngành cùng chung tay “gải cứu”

Chung tay tháo gỡ khó khăn với người nông dân, ngay từ rất sớm, UBND huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã an hành Kế hoạch chỉ đạo triển khai, thực hiện các giải pháp tiêu thụ sản phẩm mận Tam Hoa và cây ăn quả địa phương trong tình hình dịch Covid-19. UBND huyện đã có văn bản đề nghị  VNPT  Lào Cai, Viettell Lào Cai hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm mận Bắc Hà trên App Du lịch Lào Cai, các Website/Panpage của VNPT và Viettel Lào Cai; Đề nghị Bưu điện tỉnh Lào Cai, Viettell Lào Cai hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam (Postmart.vn); sàn thương mại điện  tử của Viettelpost  (Voso.vn);

Huyện Bắc Hà cũng đã có văn bản gửi Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh về việc đề nghị hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ mận Tam Hoa. Thực hiện ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh Lào Cai, Viettel Lào Cai để đưa sản phẩm mận Tam Hoa lên sàn thương mại điện tử Bưu điện tỉnh (Postmart) và sàn thương mại điện  tử của  Viettelpost  (Voso.vn), đưa  lên các  trang  mua  bán  trực tuyến  (lazada, shoppee, Sendo); đồng thời thực hiện đăng ký tem truy xuất nguồn gốc QR Code cho sản phẩm Mận Tam Hoa Bắc Hà.

Đáng chú ý, ngày 27/5/2021, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ NN huyện đã liên hệ, triển khai sấy thử nghiệm 50kg quả mận tươi tại nhà máy chế biến rau quả của Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu tại huyện Mường Khương, hiện đang chờ kết quả đánh giá chất lượng và giải pháp thu mua của công ty. Cùng ngày, Hội Nông dân huyện Bắc Hà đã làm việc với Hội Nông dân thành phố Lào Cai thống nhất phương án truyền thông cho sản phẩm, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; 2 bên đã ký Biên bản ghi nhớ tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện. Ngày 30/5/2021, UBND huyện đã làm việc với Viện Nông nghiệp Việt Nam bàn các giải pháp bảo quản và tiêu thụ mận Tam Hoa, trong đó: đã thống nhất đề xuất đưa ra 02 phương án và đề suất xin ý kiến với 2 phương án, gồm Bảo quản lạnh thời gian kéo dài đến 45-50 ngày; Chế biến bằng phương pháp sấy dẻo (sấy lạnh) giúp bảo quản trái cây lâu dài. Ngoài ra các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã triển khai tới các cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mận cho người dân.

Tiếp tục nỗ lực các giải pháp.

Dự kiến mận Bắc Hà sẽ chín rộ trong khoảng từ 05- 20/6/2021 (cao điểm có thể từ 60 -70 tấn/ngày), do vậy trước mắt huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đã triển khai, đặc biệt là công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Chú trọng tìm kiếm, kết nối với các đối tác tại thị trường tiềm năng như hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng rau quả tại Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước nhằm tiêu thụ tối đa sản lượng mận cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các thương lái vào địa bàn thu mua sản phẩm. Về  lâu dài, huyện nghiên cứu việc xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến nông sản tại huyện để hình thành các liên kết giữa sản xuất và chế biến, nâng cao giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh. Hình thành chuỗi sản xuất bền vững, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Muốn vậy, sẽ cần có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân và đầu tư phát triển công nghệ chế biến nông sản. Có thêm chính sách thu hút doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để họ yên tâm đầu tư công nghệ, máy móc và gắn bó lâu dài với nông dân.

Ông Nguyễn Xuân Giang- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà cũng cho biết: huyện Bắc Hà đã đề nghị UBND tỉnh Lào Cai và các Sở, Ban, Ngành của tỉnh: Tiếp tục phối hợp hỗ trợ huyện trong việc tiêu thụ Mận Tam Hoa, nhất là việc tuyên truyền huy động toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn cùng tham gia hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bằng các hình  thức  marketing,  quảng  bá,  tặng  quà,  bán hàng online  trên  hệ thống Zalo, Facebook.  Trước mắt khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận chuyển tiêu thụ mận đi các địa phương (đặc biệt là các tỉnh thành miền trung, miền nam)… Về lâu  dài, đề nghị xem  xét  hỗ trợ huyện  xây  dựng  nhà  máy  bảo quản,  chế biến  nông  sản,  giúp huyện làm được việc bảo  quản, chế biến nông sản như nhà kho lạnh, máy sấy khô, máy sấy dẻo, máy sục khí...qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn chung cho người dân trồng Mận Bắc Hà đang gặp phải./. 

Đặc sản Mận tam hoa Bắc Hà bày bán tại khu vực trung tâm huyện

Mận Tam Hoa Bắc Hà năm nay sai quả và đang bắt đầu chín rộ.

Một làn Mận đầy như thế này, nhưng bán chỉ được mấy chục nghìn bởi vắng khách mua

Người dân thôn Na Lo (Bắc Hà) đóng gói mận gửi đến khách hàng thông qua chuyến xe khách liên tỉnh

                                                                                                         Khuất Linh (CTV)

Trung tâm Khuyến Nông và DVNN

Tin khác



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập