Lào Cai 23° - 24°
Bảo Yên: Khẩn trương tiến hành phòng sâu ong lá mỡ

 

Thời tiết vừa qua diễn biến phức tạp, đêm và sáng có mưa rào vừa đến mưa to, trưa chiều giảm mây trời nắng, ẩm độ cao, thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại, đặc biệt như sâu ong ăn lá mỡ phá hại với mật độ khá cao, có chiều hướng gia tăng và lan rộng tại những cánh rừng mỡ trên địa bàn xã  Kim Sơn, Phúc Khánh huyện Bảo Yên (Lào Cai). Gây hại nhiều nhất là những rừng mỡ từ 4-6 năm tuổi, cây mỡ bị sâu ong ăn không còn chiếc lá nào, làm mất khả năng quang hợp,  ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây mỡ. Mật độ lúc đầu xuất hiện 5-10 con/cây, sau đó tăng lên phổ biến trung bình từ 20 - 50 con/cây, cao 80 - 150 con/cây, cục bộ trên 300 con/cây. Diện tích nhiễm 13 ha, trong đó (4 ha nặng, 4 ha trung bình, 5 ha nhẹ ). Phân bố tại xã Kim Sơn 10 ha, Phúc Khánh 3 ha.

Diện tích rừng mỡ bị sâu ong ăn trụi lá tại xã Kim Sơn

Ngay sau khi phát hiện sâu ong ăn lá mỡ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND xã Kim Sơn; Kiểm lâm địa bàn đi kiểm tra thực địa, tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đồng thời Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện ra công văn số 58/TTDVNN-KT, ngày 07 tháng 4 năm 2021. Chỉ đạo UBND các xã, Thị trấn  khẩn trương rà soát diện tích bị nhiễm sâu ong ăn lá mỡ, thông tin kịp thời các ổ dịch hại, tổ chức khoanh vùng và hướng dẫn nhân dân phòng trừ triệt để, không để lây lan trên diện rộng.

Sâu ong đang phá hại rừng mỡ tại xã Phúc Khánh

 Với thời tiết diễn biến bất thường, nắng mưa xen kẽ, ẩm độ cao, tạo điều kiện cho sâu ong vào nhộng, tiếp tục vòng đời và phát sinh lứa tiếp theo, nếu như không phòng trừ kịp thời, triệt để gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây mỡ.            Để chủ động phòng trừ và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do sâu ong ăn lá mỡ gây ra. Trung tâm Dịch vụ nông huyện Bảo Yên khuyến cáo bà con nhân dân kiểm tra cây lâm nghiệp đặc biệt là cây mỡ, phát hiện sâu bệnh hại sớm, khoanh vùng diện tích nhiễm, áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như sau:

- Biện pháp canh tác: Cần phát quang dưới tán rừng, tỉa cành mỡ, tạo đường băng để thuận tiện cho việc phòng trừ sâu ong. Khuyến khích sử dụng biện pháp treo bẫy vàng diệt trưởng thành.

- Biện pháp thủ công: Thu nhặt ổ trứng, bắt sâu non bằng tay và tiêu hủy, diệt sâu non khi chúng di chuyển xuống theo thân cây sang cây khác hoặc di chuyển xuống đất hóa nhộng. Tiến hành rắc thuốc trước 2 - 3 ngày khi sâu ong chuẩn bị di chuyển theo thân cây xuống đất hóa nhộng, rắc thuốc trong phạm vi dưới tán cây và sử dụng một trong các loại thuốc như Vibam 5H, Vibasu 10H,...Liều lượng cho 1 ha từ 25 - 30 kg thuốc. Chú ý không sử dụng thuốc hóa học đối với những diện tích rừng mỡ gần khu dân cư, gần nguồn nước sinh hoạt, ao, hồ.

- Biện pháp hóa học: Khi mật độ sâu cao sử dụng một trong các loại thuốc như: Actara 25WG, Bestox 5EC, Vifast 5EC, gà nòi 95 SP, ...

*Khuyến cáo: Liều lượng pha phun xem trên nhãn mác bao bì, tuân theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách) hiệu quả sẽ cao hơn.

Thời gian tới Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên tiếp tăng cường các công tác điều tra phát hiện, chủ động cảnh báo sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây lâm nghiệp, theo dõi chặt chẽ diễn biễn, khoanh vùng các diện tích bị hại, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thường xuyên thăm rừng trồng, phát hiện sâu bệnh hại sớm, phun phòng trừ kịp thời, hạn chế tới mức thấp nhất do sâu bệnh gây ra./.

     Phạm Thị Hiền 

 Trung tâm Dịch nông nghiệp huyện Bảo Yên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin khác



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập