Lào Cai 27° - 30°
Hỗ trợ thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên đại bàn tỉnh Lào Cai và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thực hiện  chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai về việc đánh giá và thực hiện các biện pháp phòng, chống và tình hình hỗ trợ thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Lào Cai cụ thể như sau:

Tính đến ngày 03/11/2019 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 6.502 hộ (chiếm 9,14 % số hộ chăn nuôi toàn tỉnh) thuộc 758 thôn, tổ của 125/164, phường, thị trấn (chiếm 76,2% số xã, phường, thị trấn) 9/9 huyện, thành phố làm 36.207 con lợn ốm chết và cùng đàn phải tiêu hủy (trong đó 6.753 con lợn nái, đực giống; 29.454 con lợn thịt, lợn con) ước tính khoảng 7,54 % tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh. Khối lượng tiêu hủy 1.607.832 kg.

 Đến nay, huyện Si Ma Cai đã khống chế được dịch và 43 xã, phường, thị trấn qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh DTLCP và có 22 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch, 21 xã đang hoàn thiện hồ sơ công bố hết dịch theo quy định. Có 10 xã công bố hết dịch nhưng lại tái phát (xã Tân Dương, xã Xuân Thượng, xã Điện Quan, xã Long Phúc, xã Long Khánh huyện Bảo Yên; xã Tân An huyện Văn Bàn; xã Vạn Hoà, phường Bắc Cường thành phố Lào Cai; Thị trấn Mường Khương, xã Dìn Chin huyện Mường Khương).

Tổng nhu cầu kinh phí phải hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy tính đến ngày 30/9/2019 là 36.853.083.000 đồng

Hỗ trợ thời điểm trước 26/6/2019 (Quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 29/5/2019 của UBND tỉnh) là:  9.113.641.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ từ 27/6/2019 đến 30/9/2019 (hỗ trợ theo Quyết định 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ) là:  27.739.441.000 tỷ đồng.

Kết quả hỗ trợ kinh phí của các huyện, thành phố: 9 huyện đã hỗ trợ cho 1.708 hộ/6.402 hộ có lợn bị mắc bệnh số tiền đã hỗ trợ là: 12.527.230.000 đồng.

Nhu cầu kinh phí còn thiếu hỗ trợ cho người dân là: 25.269.266.000 đồng

Đã có 8/9 huyện, thành phố hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch (tiền công trực chốt, lực lượng tham gia tiêu hủy lợn, trang thiết bị phục vụ cho tiêu hủy lợn) đến ngày 30/9/2019 là: 6.020.905.000 đồng.

Việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi và công tác phòng chống DTLCP được các huyện triển khai kịp thời, chủ động.

Trong thời gian tới các đại phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, đầy đủ tinh thần chỉ đạo của TW, TU và UBND tỉnh với phương châm "phòng chống dịch như chống giặc, phòng là chính, cơ sở và người dân là chính, hộ chống tại hộ, thôn chống tại thôn, xã chống tại xã, huyện chống tại huyện”.

Thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp phòng chống DTLCP để bảo vệ đàn lợn đặc biệt là biện pháp chăn nuôi an toàn sinh hoạt (từ khâu giống, thức ăn, chăm sóc, giết mổ và tiêu thụ).

Các địa phương quản lý tốt đàn lợn trên địa bàn; thực hiện thống kê, kiểm đếm số lượng hiện tại để kiểm soát số lượng lợn mới nhập đàn để tiến tới thực hiện theo đúng Luật Chăn nuôi (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020).

Tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ cho hộ có lợn phải tiêu hủy đến hết 31/12/2109 (theo Quyết định 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chinh phủ); kiên quyết xử lý và không hỗ trợ các trường hợp chăn nuôi mới khi chưa đăng ký khai báo với chính quyền xã theo quy định.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ; đặc biệt những nơi tiêu thụ sản phẩm động vật lớn như TP Lào Cai, huyện Sa Pa, Bảo Thắng...

Các thành viên BCĐ theo địa bàn được phân công và chức năng nhiệm vụ của Sở, ngành tích cực xuống cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn các huyện triển khai thực hiện việc chống dịch, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên.

Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chú trọng thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh đầu tư chăn nuôi thâm canh, vỗ béo trâu, bò thịt trước khi xuất bán, rút ngắn thời gian nuôi, tăng trọng lượng xuất chuồng. Đồng thời các cơ sở, hộ chăn nuôi căn cứ nhu cầu thị trường, điều kiện diện tích chuồng trại lựa chọn đối tượng vật nuôi, tăng quy mô phù hợp, tránh tình trạng dư thừa, cung vượt quá cầu.

Hướng dẫn tái đàn lợn sau khi bị bệnh DTLCP: Sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở, hộ chăn nuôi từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở/hộ. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở/hộ.

Phan Thị Hảo – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập